Thu nhập tiền tỷ mỗi tháng

Ngày nay, công nghệ internet phát triển mạnh mẽ, chỉ cần trong tay một thiết bị smartphone vài triệu đồng hay máy tính có kết nối mạng là từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể tiếp cận các thông tin thời sự toàn cầu cũng như tìm kiếm, khai thác các nguồn tin theo nhu cầu.

Cùng với đó, mạng xã hội ra đời từ nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin của người dùng, trong đó Youtube - trang chia sẻ video lớn nhất hiện nay đã trở thành cái tên quen thuộc với mọi người. 

{keywords}
Việc tìm kiếm, chia sẻ video trên Youtube dễ dàng đã thu hút rất nhiều người dùng

Việc Youtube cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo tài khoản, đăng tải những video giải trí, thể hiện bản thân, chia sẻ kinh nghiệm… một cách dễ dàng đã thu hút đông đảo người dùng.

Và người dùng, từ việc làm video "cho vui" đã dần hình thành những ý tưởng sản xuất nội dung kiếm tiền, khi có lượng tương tác lớn.

"Nghề" Youtuber có thể bắt đầu đơn giản, chỉ với chiếc điện thoại có khả năng quay video là đủ. Nhiều Youtuber thành danh từ việc ghi lại những khoảnh khắc thường nhật và chia sẻ chúng. Công việc phụ hồ, nấu ăn, khả năng sinh tồn… là những chuyện thường nhật với người này nhưng có thể là trải nghiệm mới với người khác.

Khi những video được người dùng đăng tải và kênh của họ đạt lượt xem, theo dõi ở mức tối thiểu quy định, Youtube chấp nhận chế độ "bật kênh" kiếm tiền. Khi đó quảng cáo sẽ hiển thị trên các video của kênh này. Số tiền kiếm được sẽ tính trên số lượt click vào quảng cáo của người xem, Youtube sẽ trả cho họ khi đạt giới hạn thanh toán tối thiểu 100 USD thông qua tài khoản quảng cáo. Đây là cách kiếm tiền truyền thống của các Youtuber.

{keywords}
Streamer, Youtuber Phùng Thanh Độ (Mixi Gaming) đang dẫn đầu top 10 nhà sáng tạo YouTube tại Việt Nam (Ảnh: Facebook nhân vật).

Ngoài ra, các Youtuber còn có thể kiếm tiền từ những cách như: Tham gia Network, các Network sẽ trả tiền trực tiếp cho các Youtuber; kiếm tiền từ kinh doanh, bán hàng khi sản phẩm giới thiệu trên kênh của mình được nhiều người xem, biết đến; kiếm tiền từ quảng cáo trực tiếp khi kênh có lượng lớn lượt xem, lượt theo dõi sẽ có nhiều đơn vị thuê quảng cáo thương hiệu, sản phẩm; kiếm tiền ủng hộ trực tiếp từ người xem, đây là hình thức kiếm tiền thường được các Streamer (người phát hình trực tiếp) sử dụng.

Theo thống kê của Social Blade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới, hiện nay nhiều kênh Youtube ở Việt Nam có thu nhập khủng với số tiền hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng như: Thơ Nguyễn (thu nhập từ 204 triệu đến 4,55 tỷ đồng/tháng), Lâm Vlog (thu nhập từ 170 triệu đồng đến 2,74 tỷ đồng/tháng), Hau Hoang (thu nhập từ 122 triệu đồng đến 1,96 tỷ đồng/tháng), Tacaz Gaming (thu nhập từ 30 đến 478 triệu đồng/tháng), MixiGaming (thu nhập từ 478 triệu đồng đến 7,65 tỷ đồng/tháng)…

Người dùng chọn lọc, Youtuber cần đầu tư chất xám

Do việc tạo lập một kênh Youtube riêng quá dễ dàng, cùng với thu nhập đáng mơ ước, làm Youtuber đã trở thành nghề thời thượng của giới trẻ dù chưa được đề cập đến là một nghề chính thống trong xã hội. Hàng loạt kênh Youtube hoạt động thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, mang nhiều chủ đề khác nhau với vô số cách thể hiện từ không chuyên đến đầu tư kỹ càng. Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng xem Youtube trở thành kênh kiếm tiền ngoài những hoạt động nghệ thuật thường thấy.

Tuy nhiên, qua thời gian, do trào lưu "câu view", chạy theo trending, trên Youtube đã xuất hiện nhiều video thiếu chất xám, vô bổ, thậm chí là độc hại đối với người xem, đặc biệt là trẻ em. Nhiều Youtuber đã bị các ngành chức năng xử phạt, phải đính chính, gỡ bỏ những video xấu, độc, trái thuần phong mỹ tục…

Bên cạnh đó, người dùng đã chọn lọc, định hướng những thông tin cần thiết. Đối với những kênh chuyên đưa tin sốc nổi, giật gân, nhảm nhí và vô bổ, người dùng có thể xem qua nhưng không đăng ký, theo dõi.

Do đó, nghề Youtuber ai cũng có thể "chạm vào" nhưng để tồn tại lâu dài thì không hề dễ "xơi".

{keywords}
Lực lượng chức năng làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn vào tháng 3/2021 vì có hành vi chia sẻ thông tin cổ súy, mê tín dị đoan (Ảnh: Trung Kiên).

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), Youtube được anh sử dụng để tìm kiếm thông tin phục vụ công việc hay giải trí khi rảnh. Anh Tuấn thừa nhận, Youtube đã mang tới nguồn thông tin, kiến thức đa dạng, tuy nhiên cũng có những kênh vô bổ, gây ức chế cho người xem.

"Khi gặp những kênh như thế, tôi thường báo cáo vi phạm hoặc tìm cách chặn để không còn xuất hiện mỗi khi truy cập ứng dụng. Đặc biệt, với con nhỏ, khi định hướng thông tin của các cháu còn chưa tốt nên mỗi lần để con xem giải trí, tôi cũng phải giám sát, ngăn chặn, để các cháu không tiếp cận với thông tin nhảm nhí, độc hại", anh Tuấn nói.

Theo chia sẻ của một Youtuber, để thành công không chỉ là chạy theo thị hiếu và tò mò của khán giả tức thời mà phải có tư duy, đầu tư thay đổi, phục vụ nhu cầu lâu dài của người xem. Việc đầu tư về chất xám và chất lượng của video sẽ giúp người làm nghề đứng vững chứ không thể tồn tại nếu chỉ muốn "ăn xổi".

(Theo Dân Trí)

YouTuber: Không chỉ là nghề kiếm tiền

YouTuber: Không chỉ là nghề kiếm tiền

Là người có năng khiếu chơi game, Trần Phạm Mạnh Hùng (21 tuổi, quê ở Tuyên Quang) đã mạo hiểm bỏ dở việc học tại một trường đại học ở Hà Nội để gắn bó với công việc của YouTuber.