Phát hiện “cát lợn”, ông Lương Xuân Linh (Nghệ An) cho đăng lên Facebook và có người gọi từ Hồng Kông trả giá đến 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 3 tháng, vị khách kia vẫn bặt vô âm tín, “cát lợn” vẫn chưa bán được.

Ngày 14/9, mổ lợn nái nuôi đã 13 năm, ông Lương Xuân Linh (xóm 1, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) phát hiện vật thể lạ, được cho là “cát lợn” từ trong dạ dày con vật. Rửa sạch, “cát lợn” có hình bầu dục như củ khoai, được bao bọc bởi lớp lông cứng như lông lợn đan ken, màu trắng, đen, nâu,... nặng gần 500g.

{keywords}

Ông Linh và "cát lợn" phát hiện trong bụng lợn nái 13 tuổi

Sau khi hình ảnh "cát lợn" được đăng trên Facebook con gái ông, có khoảng 6-7 người từ Vinh, Hà Nội, Quảng Ninh... gọi điện hỏi mua, trả giá từ 1 tỉ đến 1,2 tỉ đồng. Sau đó, thông qua môi giới ở Sài Gòn và ở Vinh, có người Hồng Kông trả giá 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 15.12, nguồn tin từ gia đình ông Linh cho biết, “cát lợn” quý hiếm vẫn... chưa có ai mua.

Người nhà ông Linh cho biết, sau khi biết ông có “cát lợn”, thực tế vẫn có người gọi điện trả giá; nhưng họ chỉ trao đổi qua điện thoại, không về tận nơi để xem và mua hàng. 

{keywords}

Ông Linh cho biết đã có người Hồng Kông trả giá "cát lợn" 3 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến mua

“Có thể họ gọi điện “giữ chỗ”, nếu tìm được người mua họ sẽ làm môi giới, ăn hoa hồng, nhưng vì không có ai mua nên thôi”, người nhà ông Linh phỏng đoán.

Đến nay, “cát lợn” vẫn được ông Linh cất giữ tại nhà. Khi khô đi, trọng lượng của nó đã giảm so với trước, không mùi.

Lương y Nguyễn Trọng Minh - Chủ tịch Hội Đông y huyện Cẩm Xuyên - nói: “Tôi có nghiên cứu y học cổ truyền, không thấy có tài liệu nào nói về “cát lợn”, “trư cát” và công dụng chữa bệnh của nó. Trong thực tế, có nhiều sản phẩm từ động vật có tác dụng chữa bệnh đã được nhiều người biết đến như mật gấu, cao trăn, cao khỉ, dạ dày nhím, lông nhím, mật lợn,... ; và đều dựa trên các nguyên lý khoa học. Còn “cát lợn”, quả thật tôi không hiểu cơ chế hình thành, cũng như công dụng”.

Thời gian vừa qua, tại Nghệ An và nhiều địa phương khác có nhiều người mổ lợn phát hiện “cát lợn”, được cho là thuốc quý hiếm (?), được trả giá rất cao… Thậm chí tại Hà Tĩnh còn phát hiện “cát nghé”. Tuy nhiên, thực tế, truyền thông chưa ghi nhận vụ giao dịch mua bán nào.

(Theo Lao động)