Hết lo thiếu nguyên liệu, lại đến tắc đầu ra
Ngay khi có thông tin về việc một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã rất “hoang mang”.
Trao đổi với PV. VietNamNet, một cán bộ Bộ Công Thương cho hay: “Do tình hình dịch bệnh, người đi mua sắm ít, sức mua giảm nên các khách hàng lớn của châu Âu đề nghị giãn tiến độ nhận hàng".
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chỉ trong ba ngày từ 16-18/3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng, chờ thị trường phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp dệt may lo ngại về việc khách hàng tạm ngừng nhập hàng. |
Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương nửa tháng sản xuất của nhiều đơn vị, tức khoảng 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Trước tình thế được nhấn mạnh là “chưa từng có” này, Vinatex họp trực tuyến khẩn cấp với lãnh đạo chủ chốt của các DN thành viên để kịp thời có phương án ứng phó.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Hugaco, cho biết: “Lúc đầu chúng tôi tưởng đầu vào (nguyên liệu) là khó, nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng".
“Quý I doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên giảm 20%. Phải rà soát từng khâu và toàn bộ các khâu để giảm chi phí. Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại, chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ... ”, ông Dương chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ lo lắng: “Từ 16/3-18/3, các khách hàng tại thị trường Mỹ đang giao dịch theo phương thức FOB đồng loạt thông báo ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận. Tổng số hàng bị hủy là 350.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy là 150.000 sản phẩm. Họ cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 đến 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng".
Tại Tổng Công ty May 10, khách hãng cũng hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5. Điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Khách hàng Hàn Quốc chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm sơ mi đã sản xuất xong và hoãn luôn đơn hàng 39.000 sản phẩm sản xuất trong tháng 4. Hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, đánh giá: “Việc khách hàng Mỹ và EU quyết định tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào hai thị trường này. Chúng tôi gặp khó khăn kép: trong tháng 2 các DN phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, nay đủ nguyên phụ liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất".
Cả lãnh đạo và công nhân dệt may đều bị giảm thu nhập |
Kiến nghị ứng cứu khẩn cấp
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp dệt may kiến nghị được miễn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn trong năm 2020 để tạo dòng tiền giúp DN có thể thu xếp trả lương cho người lao động trong điều kiện thiếu việc làm.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu để DN chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 vào thời điểm này, mà giãn nộp tới cuối năm 2020. Các ngân hàng thương mại nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
Tại cuộc họp chiều 20/3 của Bộ Công Thương, vấn đề "tắc" đường vào EU, Mỹ cũng được đưa ra bàn thảo.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với thị trường EU, Hoa Kỳ trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường này giảm. 2-3 ngày gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lùi, giãn tiến độ giao hàng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Đầu tuần tới, Cục sẽ làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn thực tế, đề xuất biện pháp”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay. Đồng thời rà soát thị trường trọng điểm, chưa chịu ảnh hưởng của giảm cầu để có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này, trong đó có xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – những thị trường có tín hiệu kiểm soát dịch bệnh khả quan hơn.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: Dệt may mỗi năm sản xuất trị giá 50 tỷ USD/năm, da giày trên 20 tỷ. Nhu cầu nội địa dệt may 5 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 40%, còn lại là nhập khẩu. Tương tự, nhu cầu sản phẩm da dày trong nước chỉ 2 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 40%
Ngành da giày, dệt may có lượng lớn lao động, cho nên điều này đặt ra vấn đề an sinh xã hội cho người lao động. Ông Trương Thanh Hoài đề nghị tìm kiếm thị trường thay thế để đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất tối thiểu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Nhu cầu từ các thị trường lớn của dệt may, da giày như châu Âu, Bắc Mỹ có dấu hiệu bị tác động rất mạnh của dịch bệnh. 2-3 ngày vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông đề cập có sụt giảm các đơn hàng với dệt may, da giày của Việt Nam.
“Hiện nay, chưa có lệnh cấm nào của cơ quan chức năng EU, Bắc Mỹ liên quan hàng dệt may, da giày của Việt Nam, nhưng đã có thực tế các đơn hàng từ khu vực này đang bị hủy, hoãn, lùi đơn hàng. Đây là vấn đề lớn sẽ phải bàn bạc sâu để đánh giá thấu đáo, tìm ra phương án giảm bớt thiệt hại, cũng như tìm ra hướng cho khu vực công nghiệp này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Lương Bằng
Đối tượng và thủ tục được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.