Do nợ nần, Nguyễn Tiến Hoàng đã đặt làm 12 sổ đỏ, sổ hồng giả để lừa người quen và các chủ tiệm cầm đồ đặt thế chấp, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Thương con, bố mẹ Hoàng cũng nhắm mắt “giúp đỡ”, để rồi cả gia đình cùng rơi vào vòng lao lý...
Ngày 28-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa tiếp nhận hồ sơ vụ án Nguyễn Tiến Cương - Phạm Thị Hòa phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chỉ vì thương cậu con trai Nguyễn Tiến Hoàng làm ăn thua lỗ, vợ chồng ông Cương - bà Hòa đã cùng Hoàng mang 10 quyển sổ đỏ và sổ hồng giả đi lừa đảo đặt thế chấp, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Sau 7 năm bỏ trốn, vừa qua, cặp vợ chồng này đã ra Cơ quan công an đầu thú.
Cơ quan Công an giám định sổ đỏ giả thu giữ. |
Từ lừa người thân đến lừa chủ tiệm cầm đồ
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, mảnh đất mà vợ chồng ông Cương và con trai Nguyễn Tiến Hoàng làm giả sổ đỏ, có địa chỉ tại số nhà 2 ngõ 210/9 khu Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nguồn gốc đất thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Đạo và bà Nguyễn Thị Hợp.
Năm 2006, ông Đạo - bà Hợp tách thửa đất này làm 2 phần và được UBND huyện Thanh Trì cấp 2 sổ đỏ, một sổ đứng tên vợ chồng ông Đạo - bà Hợp có diện tích 63m2, một sổ đứng tên con trai là Nguyễn Tiến Cương có diện tích 84,3m2. Đến năm 2008, vợ chồng ông Đạo cho cháu nội là Nguyễn Tiến Hoàng (con trai ông Cương - bà Hòa) phần đất 63m2 của ông bà và làm thủ tục sang tên cho Hoàng.
Do cần tiền để kinh doanh, tháng 7-2009, Nguyễn Tiến Hoàng cùng bố mẹ đã thế chấp 2 mảnh đất trên cùng sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền và được ngân hàng giải chấp vào tháng 12-2009 với số tiền được vay là 850 triệu đồng. Tuy nhiên việc làm ăn không thuận lợi dẫn đến thua lỗ, Nguyễn Tiến Hoàng nảy sinh ý định làm sổ đỏ giả để lừa đảo người khác. Hoàng thuê đối tượng Tùng (quen ở quán nước) làm 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả tại địa chỉ khu Quốc Bảo, Văn Điển, trong đó 1 quyển mang tên ông Đạo, bà Hợp, 3 quyển mang tên Nguyễn Tiến Hoàng, 5 quyển mang tên Nguyễn Tiến Cương.
Ngoài ra, Hoàng còn đặt Tùng làm 3 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ hồng) giả tại địa chỉ nhà số 4 ngõ 622 Minh Khai, Hà Nội mang tên Nguyễn Tiến Hoàng (2 quyển), Nguyễn Tiến Cương (1 quyển). Thực tế địa chỉ sổ hồng này không liên quan gì đến Hoàng.
Trước đó, Hoàng đã kiểm tra và biết tại căn nhà trên chỉ có một người thu mua phế liệu ở, còn bà chủ cửa hàng là người ngoại tỉnh. Với 9 sổ đỏ giả và 3 sổ hồng giả trên, Nguyễn Tiến Hoàng đã bàn với bố mẹ đi thế chấp nhiều người để chiếm đoạt tiền.
Bị hại đầu tiên là anh Nguyễn Tiến A. (ở Linh Đàm, Hoàng Mai), là chú họ của Nguyễn Tiến Hoàng. Biết ông nội Nguyễn Tiến Đạo là người có uy tín trong dòng họ, Hoàng kể chuyện việc làm ăn thua lỗ và nhờ ông nội đứng ra vay anh Nguyễn Tiến A. số tiền 300 triệu đồng.
Thương cháu, ông Đạo đến gặp anh A. nói chuyện, hỏi vay tiền cho Hoàng làm vốn kinh doanh. Anh A. đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Không biết việc Hoàng làm giả sổ đỏ, tháng 7-2009, ông Đạo cùng Hoàng và vợ chồng ông Cương - bà Hòa đến nhà anh Nguyễn Tiến A. viết giấy vay tiền với nội dung: “Nguyễn Tiến Cương và ông Đạo vay anh Nguyễn Tiến A. 300 triệu đồng, thế chấp 2 sổ đỏ, 1 sổ mang tên Nguyễn Tiến Cương, 1 sổ mang tên ông Đạo - bà Hợp”. Do có quan hệ họ hàng, biết địa chỉ nhà đất của ông Đạo và các con là có thật nên anh Nguyễn Tiến A. đã nhận 2 sổ đỏ giả mà không nghi ngờ gì.
Một người quen khác bị Nguyễn Tiến Hoàng lừa là chị Nguyễn Ngọc Hoa ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, hàng xóm cũ của gia đình Hoàng. Sau khi được Hoàng cùng vợ chồng ông Cương thông báo có nhu cầu bán đất ở Quốc Bảo, Thanh Trì, vợ chồng chị Hoa đến hỏi mua và hoàn toàn tin tưởng khi xem sổ đỏ mang tên Nguyễn Tiến Cương.
Các đối tượng Nguyễn Tiến Cương, Nguyễn Tiến Hoàng, Phạm Thị Hòa. |
Theo yêu cầu của gia đình Hoàng, chị Hoa đặt cọc số tiền 100 triệu đồng để cầm sổ đỏ, hẹn trong vòng 3 tháng sau khi thanh toán đầy đủ, hai bên sẽ làm thủ tục mua bán chính thức và làm hợp đồng công chứng. Trong thời gian này, Nguyễn Tiến Hoàng tiếp tục đến nhà chị Hoa kể muốn bán gấp nhà đất ở ngõ 622 Minh Khai. Tin lời Hoàng nên chị Hoa đã giới thiệu cho chị Đỗ Thị Vinh gặp Hoàng để mua bán.
Sau khi được Hoàng dẫn đi xem nhà và thống nhất việc mua bán, Hoàng cũng đề nghị chị Vinh đặt cọc 100 triệu đồng và đưa sổ hồng giả cho bên mua giữ “làm tin”, hẹn trong vòng 3 tháng thanh toán tiền và làm hợp đồng chuyển nhượng.
Ngoài 2 người quen biết trên, Nguyễn Tiến Hoàng với sự “giúp đỡ” của ông bà Nguyễn Tiến Cương, Phạm Thị Hòa còn mang sổ đỏ, sổ hồng giả đi lừa đảo thế chấp một loạt tiệm cầm đồ khác trên địa bàn Hà Nội. Điển hình như chị Trần Thị Tuyết, chủ tiệm cầm đồ trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tháng 12-2009, Hoàng mang sổ hồng giả ở địa chỉ số 4 ngõ 622 Minh Khai đến gặp chị Tuyết để thế chấp vay 300 triệu đồng. Sau khi cùng Hoàng đến kiểm tra thấy địa chỉ nhà đất như trong sổ hồng là có thật, chị Tuyết đồng ý cho vay với điều kiện Hoàng phải làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng căn nhà trên cho chị Tuyết thì mới đưa tiền. Nếu Hoàng trả đúng hẹn, chị Tuyết sẽ hủy hợp đồng công chứng, ngược lại nếu đến hẹn Hoàng không trả thì coi như Hoàng đã bán nhà và chị Tuyết chỉ phải trả thêm 200 triệu đồng.
Khi đến công chứng làm thủ tục chuyển nhượng, Hoàng bảo chị Tuyết đứng ngoài đợi còn anh ta vào làm các thủ tục, sau đó quay ra nói do thiếu đăng ký kết hôn nên không làm được. Sau đó Hoàng giãi bày việc căn nhà tại ngõ 622 Minh Khai là tài sản riêng của Hoàng, nếu phải có vợ đi cùng để ký hợp đồng công chứng mua bán thì việc anh ta giấu tài sản sẽ bại lộ. Chị Tuyết vào hỏi nhân viên phòng công chứng, thấy lý do yêu cầu vợ Hoàng phải ký hợp đồng chuyển nhượng là đúng nên tin việc Hoàng giấu vợ về ngôi nhà là thật.
Thấy chị Tuyết đã có vẻ xuôi, Hoàng đưa thêm lý do đã đặt cọc tiền lấy hàng về kinh doanh, nếu không đủ tiền trả sẽ nhỡ hết việc để năn nỉ chị Tuyết cho vay gấp. Chị Tuyết đồng ý đưa trước cho Hoàng 150 triệu đồng, hẹn 1 tuần sau Hoàng thu xếp được việc công chứng sẽ giao nốt 150 triệu đồng.
Nhận tiền xong, 2 ngày sau Hoàng lại gọi điện cho chị Tuyết nói cần gấp tiền nên muốn đặt thêm sổ đỏ của bố đẻ là ông Nguyễn Tiến Cương ở Quốc Bảo, Thanh Trì. Hôm sau, Hoàng đón chị Tuyết xuống nhà bố mẹ. Khi gặp chị Tuyết, cả ông Cương và bà Hòa đều xác nhận việc hai vợ chồng được cấp 1 sổ đỏ, Hoàng được cấp 1 sổ đỏ.
Đối chiếu với thực tế đất là có thật, chị Tuyết đồng ý cho Hoàng thế chấp 1 sổ đỏ mang tên Nguyễn Tiến Cương để lấy 150 triệu đồng và yêu cầu ông Cương viết giấy vay tiền, có chữ ký của cả hai vợ chồng. Biết Hoàng đưa sổ đỏ giả cho chị Tuyết nhưng vợ chồng ông Cương vẫn ký giấy vay tiền giúp Hoàng.
Người bị lừa nhiều tiền nhất là chị Nguyễn Hồng Tâm, chủ tiệm cầm đồ ở phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lần đầu tiên vào tháng 8-2009, Hoàng đến tiệm cầm đồ đặt vấn đề thế chấp sổ đỏ mang tên Hoàng và các giấy tờ tùy thân lấy 300 triệu đồng và được chị Tâm chấp nhận cho vay tiền.
Sau khi trả lãi đúng hẹn, đến tháng 9-2009, Hoàng đưa ông Cương - bà Hòa đến gặp chị Tâm, giới thiệu là bố mẹ đẻ và xin đặt thế chấp thêm sổ đỏ mang tên ông Nguyễn Tiến Cương để vay 300 triệu đồng. Lần này, chị Tâm yêu cầu được đi kiểm tra nhà đất. Thấy có 2 mảnh đất ở Quốc Bảo trùng khớp với địa chỉ sổ đỏ mang tên ông Cương và Hoàng, chị Tâm đồng ý nhận sổ đỏ tên Nguyễn Tiến Cương, cho Hoàng vay tiếp 300 triệu đồng.
Không dừng lại ở đây, thấy chị Tâm cho vay dễ dàng, Hoàng cùng bà Phạm Thị Hòa tự lập bản hợp đồng đặt cọc mua bán nhà giả mang đến cửa hàng chị Tâm hỏi vay thêm tiền để mua căn nhà “ảo” này, hứa hẹn sau khi mua sẽ bán đi trả lại toàn bộ tiền cho chị Tâm. Tin tưởng ở Hoàng và gia đình nên chị Tâm tiếp tục cho vay thêm 246 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà chị Tâm đã cho Hoàng vay là 846 triệu đồng.
Đến tháng 12-2009, sau khi Hoàng bị bắt giữ, chị Tâm mới biết 2 sổ đỏ đang nắm giữ là đồ giả nên đã mang đến Cơ quan công an trình báo.
Tương tự như vậy, anh Nguyễn Thành Chung, chủ tiệm cầm đồ ở phố Nguyễn Ngọc Nại, quận Thanh Xuân đã bị Hoàng cùng bố mẹ lừa đặt 2 sổ đỏ giả chiếm đoạt 200 triệu đồng. May mắn cho anh Nguyễn Thanh Minh, chủ tiệm cầm đồ trên phố Láng Hạ. Khi Hoàng mang sổ hồng giả mang tên Nguyễn Tiến Cương đến cửa hàng để đặt vay tiền, do quen biết với chị Trần Thị Tuyết (chủ tiệm cầm đồ ở phố Nguyễn Huy Tưởng), anh Minh nhờ chị Tuyết đi xác minh hộ.
Kiểm tra thực tế, chị Tuyết ngã ngửa vì địa chỉ trong sổ hồng này trùng với sổ hồng mang tên Nguyễn Tiến Hoàng mà Hoàng đã lừa chị thế chấp lấy 150 triệu đồng trước đó. Khi anh Minh trình báo Cơ quan công an, cũng là lúc một loạt bị hại phát hiện việc Nguyễn Tiến Hoàng cùng bố mẹ đã lừa đặt sổ đỏ, sổ hồng giả cho họ.
Tổng số có 6 bị hại đến Cơ quan công an trình báo với tổng số tiền đã bị Hoàng chiếm đoạt là 1.846.000.000 đồng. Hoàng khai nhận số tiền này đã được anh ta chi tiêu cá nhân hết, không có khả năng trả lại.
Thận trọng khi giao dịch sổ đỏ
Tiến hành giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội đã kết luận: 9 sổ đỏ và 3 sổ hồng thu giữ của các bị hại và của Hoàng nộp cho cơ quan điều tra đều là giả. Quá trình điều tra, hai vợ chồng ông Nguyễn Tiến Cương, bà Phạm Thị Hòa đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Cơ quan công an ra quyết định truy nã.
Đối với Nguyễn Tiến Hoàng, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử, tuyên phạt 17 năm tù giam về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Tháng 12-2016, sau một thời gian bỏ trốn, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Cương và bà Phạm Thị Hòa ra đầu thú. Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với 2 bị can trên. Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì cũng đã phê chuẩn quyết định tạm giam đối với ông Nguyễn Tiến Cương, bà Phạm Thị Hòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo pháp luật.
Một số giấy tờ liên quan đến hành vi lừa đảo. |
Do số tiền mà vợ chồng ông Cương - bà Hòa chiếm đoạt là đặc biệt lớn, vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì đã ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. Tại Cơ quan công an, bà Phạm Thị Hòa khai vì thương con, muốn giúp con giải quyết nợ nần nên khi Hoàng nhờ đi cùng vay tiền bằng cách thế chấp sổ đỏ giả, hai vợ chồng đã nhắm mắt làm liều.
Lý giải việc làm vi phạm pháp luật này, bà Hòa cho biết vào thời điểm đó, vợ chồng bà đều khó khăn về kinh tế. Hoàng thì nợ nần chồng chất, con gái thì chồng mất sớm, phải gánh vác nuôi con nhỏ. Hoàn cảnh bí bách, éo le đủ đường khiến ông bà nghe theo Hoàng, đồng lõa với con đi lừa vay tiền mọi người. Tiền thì con mang đi trả nợ hết, để rồi hậu quả lần lượt cả con và bố mẹ cùng đưa nhau vào vòng lao lý.
Trao đổi với cơ quan điều tra, được biết thời gian gần đây, thủ đoạn làm sổ đỏ, sổ hồng giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các đối tượng thường ép plastic sổ đỏ giả để người khác khó nhận biết yếu tố giả mạo bằng mắt thường thì hiện nay, với các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại đã hỗ trợ cho việc làm giả giấy tờ nói chung, trong đó có sổ đỏ giả của tội phạm.
Sổ đỏ giả có phôi được sản xuất bằng phương pháp in màu kỹ thuật số, hình dấu cũng in màu kỹ thuật số hoặc dùng con dấu giả, chữ ký giả trực tiếp để tạo độ hằn trên giấy. Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó phân biệt được các đặc điểm làm giả tinh vi như thế này nên không ít cửa hàng cầm đồ dù đã có kinh nghiệm cũng vẫn bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro, Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi giao dịch liên quan đến nhà đất, người mua cần nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của sổ đỏ.
Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội đề nghị những ai là bị hại của Nguyễn Tiến Cương, Phạm Thị Hòa và Nguyễn Tiến Hoàng, liên hệ điều tra viên Ngô Xuân Bách - Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội để giải quyết. Điện thoại: 0989961989. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(Theo An ninh thế giới)