Cách đây chục năm, khi cơn sốt sưa đỏ tràn qua vùng quê nghèo Tam Quan (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), nhiều nông dân có nằm mơ cũng không nghĩ tới việc sau một đêm thành tỉ phú. Hiệu ứng sưa đỏ, đã khiến cho dân làng Chanh, xã Tam Quan đua nhau bỏ cây vải để trồng sưa.
Sau một đêm thành tỷ phú nhờ cây sưa đỏ
Làng Chanh là nơi nổi tiếng nhất về sưa đỏ của xã Tam Quan, bởi cả làng đều trồng sưa. Trong vườn nhà, ngoài bờ rào, trước cửa nhà, bờ ao,...hay bất cứ đâu cũng có thể thấy được bóng dáng cây sưa đỏ.
Con đường sưa |
Thậm chí, dọc hai bên con đường trong làng đều được người dân trồng sưa đỏ.
Tuy nhiên, những cây sưa đỏ có giá trị trong làng giờ cũng không còn nhiều, mà đa phần, người dân chuyển sang buôn bán cây con hoặc thu mua gỗ sưa tầm chục năm tuổi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, cách đây khoảng chục năm, cơn sốt sưa đỏ bắt nguồn từ một người trong làng có tên là Lăng Văn Bắc. Ông Bắc được cho mấy cây sưa đỏ từ những năm 1990 - 1991, nhưng ông chẳng quan tâm đến nó mà chỉ trồng phía bờ rào.
Bỗng nhiên, đến năm 2007 - 2008, "cơn bão" sưa đỏ ập đến, thương lái khắp nơi về làng hỏi mua với giá 20 - 30 triệu đồng/kg. Ông Bắc bán đi vài cây là đã thành tỷ phú.
Thậm chí trước đó, mọi người trong làng cho biết, ông Bắc buôn vịt còn lỗ vài chục triệu, nhưng đùng một cái đã giàu nhất, nhì làng. Vì thế, dân trong làng cũng thi nhau trồng sưa với mộng một ngày thành tỷ phú.
Quanh hồ đều trồng sưa |
Cộng với việc, cây vải không có hiệu quả, không đem lại nguồn thu nên người dân làng Chanh đã chặt bỏ, thay thế vào đó là cây sưa đỏ với hi vọng, đời con đời cháu sẽ được hưởng.
Tìm đến một nhà buôn cây sưa giống, buôn gỗ sưa có tiếng trong làng Chanh, chị Cúc chủ nhà vui vẻ cho biết: “Hiện nay, nhà tôi vẫn thu mua gỗ sưa của bà con trong làng hoặc trên núi. Bà con cứ có nhu cầu thu mua là mình đến nhập về theo cây”.
“Cây sưa tôi thu mua hầu hết là loại 10 tuổi, được trồng đúng từ dịp sưa đang sốt năm 2007. Tuy nhiên, giá thì bao la khó xác định, bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố”, chị Cúc nói.
Cụ thể, chị Cúc cho biết: “Nếu cây có vòng thân 50 - 70 cm thì giá sẽ từ 2 - 5 triệu đồng/cây, 80 - 100 cm giá lại nhảy vọt lên 50 triệu đồng/cây, còn riêng loại 120 - 130 cm thì giá lên tới cả trăm triệu đồng”.
Vườn sưa 10 tuổi |
“Thế nhưng, vòng thân 120 cm mà khoang vào 10 cm mới tới lõi thì giá cũng không bằng cây vòng thân 80 cm mà khoang 4 cm đã tới lõi”, chị Cúc cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhiều thương lái cho biết: “Những năm 2013 - 2014, cả xã tiếng cưa máy cắt gỗ sôi động bất kể đêm ngày. Còn hiện nay, đi buôn gỗ sưa đang lỗ, vì giá sưa vốn đã giảm thê thảm, mà mua của dân giá lại cao, đến khi bán cho các thương lái Bắc Ninh, Trung Quốc lại còn bị ép giá”.
“Giá sưa theo thời gian cứ hạ dần hạ dần, đỉnh điểm tại đây cách đây 10 năm là 20 - 30 triệu đồng/kg. Giá cứ giảm dần còn 5 - 10 triệu đồng/kg và giảm cho đến giờ chỉ còn dao động từ 50.000 - 800.000/1kg, tùy theo kích thước gỗ và dáng gỗ thẳng cong và màu chất gỗ (loại 50.000 đồng/kg là loại gỗ lõi nhỏ, lõi của cành)”, một thương lái cho biết thêm.
Nhiều nhà giàu lên nhờ sưa |
Tuy nhiên, các thương lái này cũng tiết lộ: “Duy chỉ có ông Bắc trong làng là còn một cây sưa có giá trị nhất, nếu bây giờ bán vẫn được 6- 10 triệu đồng/kg. Thậm chí, dân trong làng đồn, vào đỉnh điểm còn có người trả 7 tỷ đồng nhưng ông Bắc không bán”.
Trao đổi về việc, mua bán, trao đổi gỗ sưa đỏ vẫn đang bị cấm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Quan, ông Dương Văn Tuyến cho biết: “Hiện nay, Nhà nước đang chỉ cấm chặt và tiêu thụ gỗ sưa đỏ ở những khu vực của Nhà nước, trong rừng. Còn dân làng trồng trong vườn nhà, đất thổ cư nhà họ thì rất khó quản lý”.
“Ngoài ra, xã cũng không có đề án đẩy mạnh phát triển cây sưa thành cây chủ lực của xã vì chưa ai nắm được thực sự cây sưa đỏ quý ở đâu, mà chỉ nghe đồn là có thể chống được tà ma, điều này rất khó kiểm chứng”, ông Tuyến nói.
Thế nhưng ông Tuyến cho biết: “Tuy không định hướng nhưng trước đây, xã cũng có khuyến khích bà con trồng, vì cũng đã có nhiều người giàu lên từ sưa”.
Gỗ rẻ, nhiều nhà trong làng tập trung vào buôn cây giống
Vào nhà ông Chương - dân buôn cây giống nổi tiếng chục năm nay tại làng Chanh tìm hiểu, ông này cho biết: “Cây sưa phải trồng chứ không mọc tự nhiên, mà để hạt sưa có thể gieo được cũng khá kì công”.
Quả sưa nhìn giống hệt lá |
“Trong vườn nhà tôi có gần trăm gốc sưa chục tuổi chuyên trồng để lấy quả. Vào mùa thu hoạch, tôi phải thuê người trèo lên hái xuống, phơi khô. Nhưng phải phơi quả sưa trong bóng râm, sau đó lại phải thuê người đến mang về bóc", ông Chương nói.
Vườn sưa lấy quả để gieo |
Không chỉ vậy, ông Chương còn chia sẻ: “Sau khi bóc xong, họ mang đến cho mình cân, cứ mỗi cân lại phải trả cho người bóc 150.000 đồng. Nếu bán cho khách, mỗi cân hạt thành phẩm như vậy sẽ có giá 500.000 - 700.000 đồng/kg và có khoảng 4.000 hạt. Trước đây, thời điểm cây sưa đang được nhiều người lùng mua, riêng tiền bán hạt giống cũng đã 2 - 3 triệu đồng/kg”.
“Nếu khách thích lấy cây giống thì cũng có thể cung cấp cho khách, nhưng 6 tháng mới có thể làm một vụ, thường bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 - 5 năm sau mới có thể thu hoạch được. Mỗi vụ như thế phải làm mấy chục vạn cây giống để bán cả năm”, ông Chương cho biết thêm.
Cây sưa giống |
Hiện nay, giá cây sưa đỏ giống ở trong làng đang được bán với giá dao động từ 800 - 1.000 đồng/cây với độ cao trên 30 cm. Nhưng, vì cây sưa cũng đã hạ nhiệt nên việc kinh doanh của bà con cũng gặp nhiều khó khăn.
Mỗi luống có từ 1000-2000 cây sưa giống |
Do đó, nhiều người trong làng cũng đành bỏ đấy giấc mơ tỷ phú để đi làm công nhân hoặc chăn nuôi trong vườn làm nguồn thu nhập chính. Thế nhưng, người dân làng Chanh vẫn mơ một ngày cây sưa lại đắt trở lại để có thể có thể cải thiện cuộc sống tại vùng quê này.
(Theo Dân trí)