Đó là thực trạng thê thảm tại một số trang trại lợn giống hiện nay ở một số tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên…Theo ghi nhận của phóng viên, do giá lợn giống quá rẻ mạt không đủ thức ăn cung cấp cho lợn, nhiều chủ trại lợn đã phải bán tống, bán tháo lợn nái, có nông dân còn giết thịt lợn con để nuôi chó, mèo.
Do không tiêu thụ được, gia đình anh Phạm Văn Chinh ở huyện Kim Sơn đã phải cắt giảm khẩu phần ăn của đàn lợn giống từ 2 bữa xuống còn 1 bữa/ngày. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nhỏ ở một số huyện của tỉnh Ninh Bình vào thời điểm hiện tại không thể bán được lợn giống, nếu có bán được thì giá cũng rẻ như cho, khiến nhiều hộ khó khăn nay càng trở nên cùng cực.
Đàn lợn giống phải ăn cám cầm hơn với số lượng rất ít. |
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Chinh ở xóm 4, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn bảo: “Tháng trước còn có người gọi mua lợn giống, đến tháng nay không có ai hỏi nữa, chúng tôi chủ động gọi thì họ tắt máy, có nghe thì các lái buôn, chủ trại cũng từ chối mua bởi không có đầu ra”.
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này tại nhiều địa phương ở miền Bắc, giá lợn thịt đang tiếp tục rớt, hiện giá lợn chỉ còn khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg, tùy loại. Đáng nói hơn là dù giá lợn giống đã xuống đáy khoảng 100.000 đồng/con siêu nạc song vẫn không có người mua. |
Anh Chinh cho biết thêm, sau thời gian dài rớt giá, gia đình anh đã giảm đàn nái xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện tại trang trại của anh Chinh còn hơn 40 con nái, vào mùa sinh sản, mỗi tháng trung bình số lợn nái tại trại sinh sản được hơn 100 con. “Giờ sổ đỏ của gia đình và một số anh em, người thân tôi đều đã mang đi thế chấp hết vay đầu tư cả vào đàn lợn, tính các khoản nợ đã lên đến cả tỷ đồng, càng nuôi lợn thêm càng lỗ, gia đình tôi cùng đường rồi” – anh Chinh ngậm ngùi.
Anh Phan Văn Hùng đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). |
Số lợn còn ùn ứ trong chuồng là rất lớn, không giống như Cục Chăn nuôi thông báo: Đã giảm xuống mức bình thường. |
Cũng trong tình cảnh thê thảm với gia đình anh Chinh, gia đình ông Phan Văn Hùng ở xóm Tân Văn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn hiện đang “ôm” hơn 100 con lợn giống với số đàn lợn nái lên đến hàng chục con mà chưa biết tiêu thụ đi đâu. Chia sẻ với phóng viên Nhà nông/báo điện tử Dân Việt, ông Hùng tỏ ra rất mệt mỏi: “Hết thua lỗ lợn hơi, giờ đến lượt lợn giống cũng ế ẩm khiến gia đình tôi càng lỗ nặng hơn, chả biết đến bao giờ mới trả hết nợ, có tiền đầu tư làm lại nữa”.
“Mấy tháng trước lợn giống siêu còn bán được 200.000 đồng đến 300.000 đồng/con, bước sang tháng này lợn xuống giá còn 100.000 đồng đầu con cũng không ai mua mà càng để nuôi càng lỗ nặng” – ông Hùng nói.
Hiện, gia đình anh Hoàng Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) đang tồn hàng trăm con lợn thương phẩm VietGAP chưa có nơi, đầu mối tiêu thụ. |
Để “cắt lỗ” phần lớn các hộ nuôi lợn ở huyện Kim Sơn đã phải cắt giảm khẩu phần ăn của lợn, nhiều hộ đã chuyển nuôi lợn bằng cám gạo trộn rau, bã rượu. Điển hình như hộ ông Trịnh Duy Tân ở xóm 2, Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) cùng với việc bán tống đàn nái hơn 100 con, gia đình ông Tân còn cắt giảm khẩu phần ăn của đàn lợn xuống còn bằng nửa ngày thường. “Nếu không giảm nái nhanh,gia đình tôi khó mà cầm cự thêm được. Mong rằng trong thời gian tới nhà nước có biện pháp hỗ trợ kịp thời để nông dân chúng tôi bớt thua lỗ” – ông Tân chia sẻ.
Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ nuôi lợn đã và đang tìm mọi cách để cầm cự. Đơn cử như hộ của anh Nguyễn Văn Thương ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) hiện đang nuôi trên dưới 20 con nái và hơn 100 lợn giống, do lợn không có đầu ra, gia đình anh đã phải bán bớt đàn nái và chọn các con lợn giống còi, què mổ nấu nuôi chó, mèo. “Đường cùng rồi, không trông chờ vào ai được nên tôi đành phải tìm mọi cách để cứu lấy mình thôi” – anh Thương tâm sự.
(Theo Dân Việt)