Suốt bao năm làm nghề nông, anh Lương Hoàng Long (trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết ốc sên có nhan nhản trong khu vườn rộng gần 2.000m2 trồng các loại rau màu và cây ăn quả nhưng chưa có biện pháp diệt sạch vì chúng sinh sôi quá nhanh.
“Loại ốc này cây gì nó cũng ăn, nhất là các cây có mầm mới nhú. Đợt nhà tôi trồng mướp hay rau cải thì ốc sên nhiều vô kể, quả mướp non mới ra bị ốc bò lên ăn lem nhem, luống cải cũng phải giăng mùng không nó ăn sạch sẽ luôn”, anh Long nói.
Ốc sên là loài vật chuyên phá hoại các loại cây trồng. |
Không những ăn tạp, loại ốc này cũng “thoắt ẩn thoắt hiện” bởi ban ngày chúng chui xuống đất hoặc bò vào bụi rậm lẩn trốn. Muốn diệt ốc chỉ còn cách soi đèn ban đêm bắt từng con rồi đập nát, lấp đất lên trên cho khỏi hôi thối. Một số nhà buổi tối đi bắt một lúc là được cả vài chục kg mang về đập cho vịt ăn hoặc ngâm tưới cây.
Theo anh Long, loại ốc này thường chui xuống đất trú ẩn, ở những nơi ẩm thấp, có thể ăn lá cây, mầm non hoặc thậm chí là rác, chất thải, thường nhiễm sán hoặc kí sinh trùng nên quê anh không ai dám ăn.
Nhiều nông dân đi bắt được cả tạ ốc sên mỗi đêm. |
Với chị Trịnh Thị Vy (trú tại Phan Thiết, Bình Thuận) thì ốc sên đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình trồng thanh long, mỗi tối người dân phải đi rọi đèn bắt cả đêm vì bỏ thuốc chúng cũng không chết.
“Mấy năm trước có người mua 2.000 đồng/kg nhưng giờ không ai mua nữa, diệt không hết nổi. Ngoài ra giờ còn còn xuất hiện những con ốc sên nhỏ nhiều vô kể, nhất là những hôm trời mưa xong đi nhặt phải được vài tạ, thật sự ám ảnh’, chị Vy thở dài.
Chúng trở thành nỗi ám ảnh của nhà nông. |
Ngược lại, theo anh Nguyễn Thanh Giang, trú tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) thì ốc sên từ lâu đã trở thành “đặc sản” bán với giá cao hơn cả một số loại ốc khác, thậm chí muốn ăn phải đặt từ nơi khác về.
Chỉ vào đĩa ốc sên khoảng chừng 1kg ruột ốc, anh Giang cho biết mình từng đổi ngang 2kg thịt bò. “Những con ốc to họ bán với giá 60.000 đồng/kg, thậm chí có đợt khan hàng phải mua 120.000 đồng/kg, muốn ăn phải đặt ở tận Cao Lãnh. Mua về nhốt lại bỏ đói hoặc cho ăn khoai mì thêm vài ngày cho sạch rồi mới chế biến”, anh Giang cho hay.
Để chế biến ốc sên ngon nhất, theo anh Giang cần bỏ hết phần ruột, chỉ lấy phần đầu rồi bóp sạch nhớt, ngâm nước muối rồi xào sả ớt hoặc xiên nướng lá chanh.
Anh Giang cho biết mình từng đổi đĩa ốc sên này với số tiền tương đương 2kg thịt bò. |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhiều người thường nghĩ ốc sên bẩn và độc nên không dám ăn, song thực chất, loại ốc này có thể ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Theo ông, bản thân ốc sên không có độc nhưng chúng thường ăn cỏ cây, do đó, chúng có thể ăn phải nấm độc hoặc các loại cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật xung quanh. Đó chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc sau khi ăn ốc sên. Ngoài ra, loài nhuyễn thể này thường hay chứa các protein lạ, dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo chỉ nên sử dụng loại ốc sên đang sống khỏe mạnh, sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Trước khi chế biến, nên để một ngày đêm cho ốc nhả hết chất bẩn hoặc chất độc. Nếu chỉ nên ăn phần thịt của ốc sên, bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa của chúng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chất nhầy của ốc sên được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong ngành làm đẹp. |
Trên thế giới, thị trường tinh chế serum từ chất nhờn của ốc sên được nhiều hãng mỹ phẩm hàng đầu ưa chuộng, thậm chí có giá đắt hơn vàng.
Cụ thể như tại Thái Lan, năm 2019, một công ty mỹ phẩm có tên là Aden cung cấp chất nhầy của ốc sên cho các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc và Mỹ dưới dạng bột khô với giá 1,8 triệu baht/kg, tương đương khoảng 58.200 USD/kg.
Nhu cầu tăng mạnh, các trang trại nuôi ốc sên mọc lên ngày càng nhiều ở Thái Lan và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Với số lượng 1000 con, một người có thể thu được từ 320 USD đến 650 USD.
Thậm chí ốc sên trở thành món ăn đường phố sang trọng bậc nhất tại Pháp. |
Ngoài ra, một số Spa ở Thái Lan còn cung cấp dịch vụ chăm sóc da mặt bằng ốc sên, cho các con vật này bò trực tiếp lên mặt của khách hàng.
Tại Italia, cơn sốt mang tên chất nhờn ốc sên đã khiến hoạt động nuôi loài động vật này tăng 325% trong 2 thập kỷ qua, với số lượng các nhà sản xuất hiện tại đã lên tới 4.000. Hiệp hội nông nghiệp Coldiretti ước tính 44.000 tấn ốc sống và được bảo quản được sản xuất hàng năm tại Ý, tạo nên ngành công nghiệp trị giá 180 triệu bảng.
Nghiên cứu của Coherent Market Insights cho thấy thị trường sản phẩm làm đẹp từ ốc sên toàn cầu được định giá khoảng 314,2 triệu USD vào năm 2016. Trong giai đoạn 2018-2025, sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm là 11,22%.
(Theo Dân Việt)