Gần 9 giờ sáng ngày thứ 2 đầu tuần, đón được 4 thùng na từ bến xe Nước Ngầm về, chị Đào Thị Bích – chủ một cửa hàng trái cây sạch ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Được 1,5 tạ vẫn chưa đủ trả đơn cho khách”.

Chị cho biết, na bở vừa mới bước vào đầu vụ thu hoạch được khoảng nửa tháng nay, song nguồn hàng từ các nhà vườn chưa nhiều vì na còn xanh, chưa chín rộ. Trong khi, dân Hà Nội lại rất chuộng loại na này, danh sách khách đặt hàng hôm nào cũng dài dằng dặc.

Theo đó, để nhập được đủ nguồn na trả đơn cho khách đặt trước đó, một tuần nay thay vì đợi nhà vườn gửi na lên cho mình, chị Bích cử hẳn nhân viên về vùng Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) canh mua từng quả rồi đưa hàng lên Hà Nội.

“Nhà vườn có ít hàng, lại nhiều mối đặt sỉ, không về tận nơi thì không thể gom đủ hàng bán”. Chị nói và cho biết, trước kia na bở giá rất rẻ, thậm chí rẻ bằng nửa giá na dai, ít người mua ăn nên nhà vườn chặt bỏ nhiều.

{keywords}
Na bở - loại na đang được lùng mua dù giá vô cùng đắt đỏ

Vài năm trở lại đây, vào mùa của loại trái cây này, na bở là mặt hàng đặc biệt hút khách. Giá thời điểm hiện tại lên tới 165.000-180.000 đồng/kg tuỳ loại, tức đắt gấp khoảng 4-5 lần na dai, song cửa hàng chị Bích vẫn không đủ hàng để bán.

Anh Trần Văn Hào – chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, giá na bở vốn đã cao hơn na dai rất nhiều, vào đầu vụ giá lại càng đắt đỏ hơn. Ví như loại na bở 4-5 quả/kg đang được anh bán với giá 165.000 đồng/kg, còn loại 3 quả/kg giá 180.000 đồng. Riêng hàng VIP 2 quả/kg giá 210.000 đồng/kg, nhưng loại này cực hiếm, rất khó để nhập được hàng về bán.

Anh tiết lộ, na bở anh mới bán được khoảng hơn chục ngày, song lượng na khách đặt đã lên tới con số gần 2 tấn.

Na này có vị ngọt thanh, không ngọt ngắt như na dai nên mọi người rất chuộng ăn. Có người chỉ đặt 1kg, cũng có người đặt 3-5kg vừa ăn vừa đem biếu tặng. Song, thời điểm đầu mùa này, nguồn hàng còn khan hiếm nên đa phần khách đặt na nhanh thì 1 ngày có hàng, không thì phải đợi 2-3 ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vườn thu hái quả.

Hiện, na nhập về hàng ngày đều không đủ số lượng khách đặt nên cửa hàng sẽ ưu tiên khách đặt trước được trả hàng trước, anh cho hay.

{keywords}
Na bở hiện có giá đắt gấp 4-5 lần na dai bán tại chợ Hà Nội

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX Liên Khê (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, Liên Khê là thủ phủ của trái na bở với diện tích trồng lên tới 100ha. Loại cây này trồng ở đây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên quả na tương đối to (trọng lượng 300-600gram/quả), mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được dân buôn chuộng mua.

Theo ông Hùng, từ năm 2017 trở về trước, na bở không được giá như thời điểm hiện tại. Khi ấy, mỗi cân na bở giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg loại đẹp quả to. Thậm chí nhiều người chở na bở đi bán không ai mua lại chở về.

Song, từ năm 2017 đến nay, na bở bỗng nhiên được ưa chuộng, giá tăng vọt. Đặc biệt, tại HTX của ông, na bở được trồng theo phương thức VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc, hàng được tiêu thụ không chỉ ở tỉnh mà khách Hà Nội còn tranh nhau về mua.

“Bây giờ giá na bở loại 3-4 quả/kg tại vườn đã lên tới 120.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hàng bán”. Ông nói và cho biết, hiện mỗi ngày HTX của ông chỉ hái được khoảng 6-7 tạ na bở vì na mới chín điểm, dân buôn đặt rất nhiều nên họ về tận nơi cân hàng rồi đem đi. Đến giữa mùa, quả chín rộ lúc đó mỗi ngày có thể xuất bán đầu tấn.

{keywords}
Nhờ giá bán cao, người trồng na bở ở Liên Khê trúng đậm, thu lãi cả nửa tỷ đồng mỗi 1ha

Nhờ cơn sốt giá kéo dài suốt mấy năm nay mà người trồng na bở tại xã Liên Khê có cơ hội làm giàu. Bởi, na bở nếu là cây đã trưởng thành sản lượng quả đạt khoảng 9 tấn/ha. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ đi chi phí, mỗi 1ha người nông dân trồng na bở có thể thu lãi khoảng 0,5 tỷ đồng. Năm nay, na bở trúng mùa lớn, quả sai trĩu cành, dự kiến doanh thu còn tăng cao hơn năm ngoái, ông Hùng cho hay.

Tại xã Liên Khê, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn na bở. Người nông dân trồng na ở đây cho biết, trồng một cây na bở tiền thu được có thể ngang ngửa với cấy 1 sào lúa vì loại na này đang rất được giá, năng suất lại cao.

Theo lãnh đạo xã Liên Khê, dựa vào hiệu quả kinh tế thiết thực từ việc trồng na, địa phương đang đề xuất với huyện chuyển đổi hơn 90ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, với cây na sẽ chuyển đổi thành vùng trồng lớn, mở rộng diện tích VietGAP để bao tiêu sản phẩm cho bà con, quản lí sản xuất được tốt hơn. 

Châu Giang