Ngày 14/11, trong khi đi lấy nước tại khe suối thuộc xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, người dân địa phương phát hiện, bắt được một số con cá lạ.

Mỗi cá thể nặng khoảng 80-100g, chiều dài từ 10-15 cm. Da cá có lớp vẩy sừng sần sùi như da cóc, bụng có hoa gấm màu vàng đỏ, sống dưới nước có chân và phần đuôi như đuôi cá chạch.

Người dân địa phương cho biết, loài cá này rất quý, hiếm và được gọi là “cá Bèo Cao”, thường bám ở khe đá ở những vũng nước lặng. Phát hiện có tiếng động, sinh vật này bơi trốn rất nhanh. Khi bị bắt, cá thường tiết ra một chất nhựa mùi rất hắc.

{keywords}
Loài cá lạ có chân mà người dân ghi nhận được ở Cao Bằng là loài cá cóc Quảng Tây.

Căn cứ trên thông tin do Tiền phong cung cấp, PGS.TS Trương Xuân Lam,  Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đây là loài cá cóc quảng tây (Paramesotriton quangxiensis)- một loài quý hiếm có trong  sách đỏ IUCN (2017), ở bậc EN (Nguy cấp). Loài cá quý hiếm này được phát tại Việt Nam từ năm 1984.

Cá cóc quảng tây là loài khá bí ẩn. Chúng sống chủ yếu dưới nước, hoạt động vào ban đêm và tìm kiếm thức ăn. Loài cá này hoạt động mạnh từ tháng 2 đến tháng 9, ban ngày hầu như chúng không hoạt động, thường ẩn nấp dưới những khe đá trong nước.

Vào mùa đông khi nhiệt độ ngoài môi trường xuống thấp dưới 20 độ, nhiệt độ nước xuống dưới 18 độ, thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, chúng gần như không hoạt động. Mùa sinh sản của hai loài này thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trứng được đẻ trên cạn, ở những hốc đá trên mặt nước.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Việt Nam hiện ghi nhận 7 loài cá cóc. Tuy nhiên, do môi trường sống bị phá hủy, bị săn bắt nuôi làm sinh vật cảnh, lây nhiễm dịch bệnh nên quần thể cá cóc ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng.

(Theo Tiền phong)