Cứ trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng là anh Trần Văn Hùng ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội lại kết nối với người thân ở huyện Phú Hộ, tỉnh Phú Thọ để tìm mua vài ký ong bầu đất về chế biến món ăn hoặc ngâm rượu.

Anh Hùng chia sẻ, mỗi năm một lần, anh lại đặt mua ong bầu đất tại nhà người quen ở đây. Thường từ tháng 8 đến hết tháng 11 dương lịch, người dân Phú Hộ lại vào các cánh rừng thông, rừng tràm, đồi chè để săn ong đất. Ong đất tự nhiên trong rừng - loại ong được cho là ngon nhất, vì vậy giá cũng cao hơn các loại ong khác. 

Ngoài đi săn tổ ong rừng tự nhiên, nhiều nhà còn nuôi ong đất kiểu bán hoang dã để bán ra thị trường vì loại ong này rất được ưa chuộng.

{keywords}
Nhộng ong đất được nhiều người tìm mua về ăn

“5 năm trước, mẹ mình bị đau nhức xương khớp. Được nhiều người mách, mình tìm về Phú Thọ mua ong đất và nhộng ong về ngâm rượu cũng như chế biến cho cả nhà ăn. Thấy món ăn ngon, lại có công dụng với sức khỏe nên kể từ đó mình rất hay mua ong đất. Loại ong này dùng để ngâm rượu thuốc chữa bệnh. Còn nhộng ong để bà xã chế biến món ăn. Ăn những món ăn chế biến từ nhộng ong cũng rất thơm ngon, ngậy”, anh Hùng kể.

Một ký ong bầu đất được anh Hùng mua trực tiếp tại người dân Phú Thọ giá 650.000 đồng/kg, ong vò vẽ giá rẻ hơn, chỉ khoảng 450.000 đồng.

"Hay mua ong thì mới biết có nhiều loại ong lắm. Chẳng hạn như ong vò vẽ, bầu đất, bầu treo. Gọi là ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, ong bò lỗ vì loại ong này thường làm tổ ở các gốc cây mục rỗng hay dưới mô đất. Tổ ong đất rất khó phát hiện vì vị trí làm tổ thường chỉ gợn lên một lớp mùn", anh Hùng cho hay.

Loại ong này có nọc cực độc nhưng ong đất và nhộng của nó có thể chế biến nhiều món ăn giàu đạm, bổ dưỡng hoặc ngâm rượu để chữa các bệnh về xương cốt. Có lẽ vì đặc tính "quý" nhưng "độc" ấy mà ngày càng nhiều người thích sở hữu chúng.

Riêng nhà anh Hùng, mỗi khi trời trở lạnh là anh bắt đầu mua bầu ong đất về ngâm rượu: “Bị đau xương khớp, cứ chăm chỉ uống rượu ngâm ong vò vẽ - ong bầu đất cũng giúp cải thiện khá nhiều. Thế mới hay loại ong độc, đốt chết người lại có thể là dược liệu ngâm uống trị đau nhức xương khớp một cách thần kỳ”.

Người đàn ông tiết lộ, những năm trước, anh mua 1 kg ong đất rừng khoảng 800.000 đồng. Thế nhưng năm nay, do dịch Covid-19, các thương lái Trung Quốc không thu mua được nên giá ong đất giảm còn 650.000 đồng/kg. Riêng giá nhộng ong cũng tụt từ 400.000 xuống còn 300.000 đồng/kg.

“Với nhộng ong, trước khi chế biến, phải chần qua để nhộng cứng lại, không bị vỡ trong quá trình đun nấu. Sau đó, mới chế biến nhiều món ăn từ nhộng ong như lẩu, cháo, rang, xào,... Món ăn nào từ nhộng ong cũng ngọt lừ, thơm lừng, béo ngậy. Hai con mình rất thích ăn. Nếu rang lên chúng có thể ăn vã được cả bát. Thậm chí, có thời điểm, bà xã mình đặt mua cả 5kg nhộng về ăn. Sau khi nhặt sạch, luộc chín thì để ráo nước. Đóng nhộng vào khay rồi cho vào ngăn đông để có thể để được cả năm”, anh Hùng hướng dẫn.

Chia sẻ về rượu ong đất cũng như nhộng ong, lương y Vũ Quốc Trung - thành viên Hội đông y Việt Nam, cho rằng nhiều người thường ngâm ong trưởng thành hoặc ngâm cùng ấu trùng và nhộng của chúng với rượu trắng để làm rượu thuốc vì nghĩ có tác dụng bồi bổ sức khoẻ. Những người khác thì còn chuộng xào nhộng ong đất ăn.

Thế nhưng khi ăn loại ong này, phải đặc biệt cẩn trọng. Bởi lợi ích của chúng hoàn toàn chỉ theo kinh nghiệm dân gian chứ chưa có ai đi sâu nghiên cứu về tác dụng dược lý.

Thực tế, nhộng ong tuy có thể là món ăn khoái khẩu nhưng cũng có thể gây dị ứng trầm trọng cho người ăn. Đặc biệt, nhiều người thường mua rượu ong đất rồi tự ngâm rượu sử dụng. Lương y này Vũ Quốc Trung khuyên mọi người không nên tùy tiện dùng rượu ong đất vì ong đất nọc nhiều, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... Khi ấy, bổ dưỡng đâu chưa thấy mà có thể gây hại cho sức khỏe người dùng.

Thảo Nguyên