Ông Lê Đức Giáp (69 tuổi) là người duy nhất trong xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm công việc sáng tạo trên thân cây ăn quả: chiết ghép, tạo dáng thành cây ngũ quả bon sai. Ông làm công việc này đã ngót nghét 13 năm.
Ông Lê Đức Giáp (69 tuổi) là người duy nhất trong xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm công việc sáng tạo trên thân cây ăn quả: chiết ghép, tạo dáng thành cây ngũ quả bon sai. Ông làm công việc này đã ngót nghét 13 năm.
Gắn bó với nghề làm vườn hơn 20 năm, trước đây ông Giáp nổi tiếng trong vùng với "bí quyết" trồng cam Canh mà chỉ một năm đã cho quả rất sai thay vì phải mất 4 năm như người khác trồng. Ông được giới chơi cây gọi là "cha đẻ" của loại ngũ quả bon sai bởi đã tạo dáng, ghép thành công 5 thứ quả khác nhau (bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất) trên cùng một cây.
Năm 2008, ông Giáp có ý tưởng sáng tạo cây ngũ quả nhưng đã trải qua nhiều thất bại trong 2 năm liền khi ghép 5 quả mà chỉ đậu được 3 loại quả. Ông quyết tâm tìm ra "lỗi" và phát hiện, đặc tính của mỗi loại cây cho quả chín vào các thời điểm khác nhau nên phải tính toán thời gian ghép quả. Với bưởi Diễn, cam Canh, phải được ghép từ tháng 5 âm lịch, quả quất và quýt thì ghép vào tháng 8, tháng 9, quả phật thủ ghép vào khoảng tháng 10, tháng 11.
Những ngày cuối năm này, ông Giáp bận rộn chăm sóc vườn cây ngũ quả để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ông cho biết, năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều nên việc chăm sóc cây vất vả hơn trước. Trong ảnh, ông Giáp đang trong đợt ghép quả phật thủ vào cây trước khi chăm bón, cắt tỉa để cây trổ mã đúng dịp cận Tết.
Đây là chậu cây ngũ quả có 2 nhánh xòe ra 2 bên khá mềm mại mà ông Giáp nói vui là "nhỏ nhưng có võ". Chậu cây nho nhỏ nhưng quả sai trĩu rất bắt mắt khiến ai đến thăm vườn cũng đều xuýt xoa, thích thú. Ông đặt tên chậu cây ngũ quả này là "lưỡng long chầu nguyệt".
Mảnh vườn rộng một sào của ông Giáp cạnh sông Đáy hiện có hơn 100 chậu cây ngũ quả. Thời gian vừa qua, trên mạng lan truyền thông tin gia đình ông Giáp có thu nhập hơn 2 tỷ đồng mỗi năm từ khu vườn này.
Nhiều người trong làng và cả trên Facebook hỏi ông việc này. Ông Giáp cười xòa: "Bình quân mỗi năm gia đình tôi chỉ kiếm được khoảng 200 triệu đồng, có 2 tỷ thì đã giàu to".
Thời điểm cuối năm, nhất là khi dịp Tết đến gần, vườn nhà ông lúc nào cũng nườm nượp khách đến mua hàng. Không chỉ người dân khu vực Hà Nội mà khách hàng từ các địa phương khác như: Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng tìm đến vườn ông mua cây ngũ quả.
Với niềm say mê, sáng tạo trong nghề làm vườn, cuộc sống của gia đình ông Giáp ngày càng sung túc. Nhiều năm liền, ông được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2012, ông được vinh danh là một trong mười Công dân ưu tú của Thủ đô. Nhà vườn ông Lê Đức Giáp cũng đã được công nhận là nhà vườn sáng tạo.
(Theo Dân Trí)
Trồng giống mít lạ hái quả không đủ bán, lão nông thu tiền tỷ mỗi năm
Với mảnh vườn 1,5ha trồng mít ruột đỏ, lão nông ở Hậu Giang đều đặn bỏ túi hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.