Vài năm trở lại đây, độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, trên các chợ mạng lại nhộn nhịp người mua kẻ bán quả cọ. Vốn là thứ quả quê đặc trưng ở các vùng Phú Thọ, Nghệ An và Hà Tĩnh, nay quả cọ được đưa lên phố, trở thành "đặc sản" được thực khách tìm mua nhiều vì hương vị bùi bùi, lạ miệng.

{keywords}
Từ quê lên phố, quả cọ thành "đặc sản" được hội chị em tìm mua nhiệt tình.

Theo người dân địa phương, những cây cọ bắt đầu ra hoa, kết trái vào giữa tháng 7 âm lịch. 3-4 tháng sau là thời điểm quả cọ bắt đầu chín, vỏ màu xanh đậm rồi ngả dần sang xanh da trời. Tùy theo điều kiện thời tiết mà mùa cọ chín có thể kéo dài tới vài tháng.

Thời điểm vào mùa, người dân bắt đầu đi thu hoạch cọ. Cây cọ cao, chi chít gai, người ta thường dùng cù lèo (lấy liềm buộc vào cây sào) để hái. Nếu không khéo sẽ làm quả cọ bị xây xát, sứt sẹo, giảm độ ngon.

Quả cọ hình bầu dục, chỉ nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, to hơn thì độ 2 đầu ngón tay. Khi chín, cọ có màu xanh dương thẫm hoặc hơi nâu đen. Cọ sau khi hái về sẽ được rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn.

Vì cọ sống khá chát nên người dân thường "ỏm" (làm chín) để nó mềm hơn, bớt chát và có độ bùi, ngọt, béo ngậy. Tuy nhiên, để làm được mẻ cọ "ỏm" ngon thì đòi hỏi người làm phải khéo léo, kỳ công.

Những trái cọ được rửa sạch, đem xóc lẫn với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ. Sau đó đổ nước sôi lăn tăn khoảng 85-90 độ C vào thùng hoặc chậu cọ, để tầm 15-20 phút là cọ chín mềm. Nếu cho vào nước quá nóng sẽ làm quả cọ teo lại, ăn cứng và chát. Ỏm lâu quá lại làm cọ mềm nhũn, giảm độ ngon, bùi.

{keywords}
Mỗi năm chỉ có một mùa, giá đắt ngang cả hoa quả nhập khẩu nhưng cọ vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Người ỏm cọ cần căn nhiệt độ nước và thời gian hợp lý, khi mặt nước nổi những váng màu vàng, quả chuyển từ màu xanh đậm sang màu vàng là được. Nếu cân đối được các yếu tố cần thiết thì sẽ ỏm được mẻ cọ ngon, cùi dày, ăn bùi bùi, mềm và có vị ngọt.

Chị Nguyễn Hương (quê ở Phú Thọ, hiện đang sống tại Hà Nội) tập tành bán quả cọ từ năm 2018, khi thấy nhiều người làm văn phòng tìm mua loại quả quê này về ăn vặt.

"Ở quê mình quả cọ vốn là thức ăn vặt dân dã, khi mang lên thành phố cọ ỏm lại được nhiều người xem như đặc sản. Thấy đồng nghiệp mua làm quà vặt, ăn khen ngon nhiều nên mình nhờ người nhà gửi xuống cho để bán. Ban đầu chỉ bán thử ít một, nhiều người đặt mua quá nên tăng lượng hơn. Năm ngoái mình bán được cả tạ cọ, người này ăn ngon lại giới thiệu cho người khác mua", chị nói.

Gắn bó với cây cọ nhiều năm nên chị Hương biết rõ kinh nghiệm để chọn cọ chất lượng. Theo chị, cọ ngon phải là cọ nếp. Để làm cọ ỏm chuẩn, ngon thì phải chọn được quả già. Đặc biệt, quá trình ỏm cọ cần khéo léo, kỳ công. Chỉ cần "quá tay" là vứt ngay mẻ cọ.

"Nhiều người không biết, cho cọ luôn vào nồi nước sôi để ỏm là sai. Phải đun nước sôi lăn tăn, không để sôi sùng sục rồi đổ ra thùng hoặc chậu để ngâm cọ. Ủ cọ trong nước ấm một lúc, khi thấy váng nổi lên đầy mặt nước là được. Nếu ngâm mà không thấy nổi váng là cọ không ngon. Mình ỏm xong, ăn thử thấy đạt chất lượng mới dám bán, còn không phải bán rẻ hoặc chấp nhận bỏ cả mẻ cọ đi", chị Hương chia sẻ.

{keywords}
Không chỉ xuất hiện ở các phiên chợ quê, cọ ỏm thành mặt hàng được rao bán nhiệt tình trên chợ mạng.

Anh Hùng - một tiểu thương nông sản tại Hà Nội cho biết mỗi khi đến mùa cọ lại nhập hàng về Thủ đô phục vụ khách "sành ăn". Những đợt có cọ ngon, khách đặt mua nhiều mà anh không đủ bán. Một số người "nghiện" cọ còn đặt cọc sẵn, chỉ chờ có cọ nếp ngon để mua về ăn.

"Cọ thường khoảng 60.000 đồng/kg nhưng cọ nếp ngon thì giá cao hơn, có khi gần 100.000 đồng/kg khách vẫn tranh nhau mua. Mình bán cả cọ tươi lẫn cọ ỏm. Cọ ỏm chín, mang về chỉ việc ăn ngay thì thêm 5.000 - 10.000 đồng tiền công thôi. Nhiều khách thích ăn cọ lắm, cứ mua vài cân về thưởng thức cho bõ", anh nói.

Cũng theo tiểu thương này, cọ ngon nhất được thu hoạch từ những cây lâu năm không bị tỉa lá, cao vút, bắc thang không tới. Việc thu hoạch cũng khó khăn, nhất là khi thời tiết mưa gió. Chưa kể nếu không may mua phải những cây cọ nhiều sâu, quả chưa chín kỹ, ỏm lên sẽ bị đắng chát, không thể ăn.

Không chỉ là thức quà vặt làm "nức lòng" giới văn phòng mà cọ ỏm còn là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn ngon. Ở một số nơi, cọ nếp được dùng làm bánh dầy. Sau khi ỏm, lớp cùi cọ nếp vàng như mật, thơm phức được bóc ra, đem giã nhuyễn thành nguyên liệu làm bánh.

Ngoài ra, loại quả này còn được chế biến thành món dưa cọ ngày Tết hay cọ kho cá, kho thịt rất thơm ngon. Vị bùi ngậy, chan chát của cọ khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi. Thưởng thức một miếng cọ, cảm nhận độ dẻo, bùi bùi trong miệng là thấy cả một bầu trời tuổi thơ ùa về.

(Theo Dân Trí)