Chấp nhận “nhậu bằng nước ngọt” để được hoạt động

“Chúng tôi không thể chịu được nữa rồi”, anh Quang - chủ quán nhậu Quang Mập (quận 1) nói trong khi đang chuẩn bị nồi nước lèo cho món bún bò Huế buổi trưa. Quán đóng cửa từ cuối tháng 5, chủ quán phải xoay đủ kiểu để duy trì sinh hoạt của gia đình và nuôi một số nhân viên ở lại. Sáng bán cháo lòng, hủ tiếu; trưa bán bún bò Huế; tối bán nước giải khát. Tất cả đều phục vụ mang về với doanh thu cầm cự ít ỏi.

Biết thông tin có thể dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ được mở lại nhưng không bán rượu bia, anh Quang chán nản thông báo, quán sẽ tiếp tục đóng bởi bản chất của một quán nhậu thì không thể thiếu đồ uống có cồn. “Tận hưởng không khí nhậu vỉa hè, giá rẻ là điều người dân chắc chắn thèm. Nhậu mà không có rượu, bia thì khách ra quán ăn bình thường là được rồi”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ bi quan như chủ quán Quang Mập. Chủ một số quán nhậu khác chấp nhận việc mở cửa mà chỉ cung cấp nước ngọt cho khách, dù việc này ảnh hưởng lớn tới doanh thu quán.

{keywords}
Sáng 25/10, nhiều quán nhậu đã bắt đầu rửa bàn ghế, dọn dẹp để mở lại (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, rửa lại ghế ngồi sau nửa năm đóng cửa (ảnh: Trần Chung)

Anh Đạt, đại diện quán nhậu  6A - Má Hổng La (quận 1) cho rằng, giãn cách xã hội đã làm các hộ kinh doanh kiệt quệ. 10 năm bán đồ nhậu, chưa bao giờ quán gặp tình cảnh khó khăn như thời gian vừa qua. Do vậy, quán sẵn sàng tuân thủ các quy định do nhà chức trách đặt ra để sớm được mở cửa hoạt động trở lại, chỉ mong đừng “nay cho mở, mai lại bắt đóng”. Sáng 25/10, nhân viên bắt đầu rửa bàn ghế, quét dọn quán, sẵn sàng cho ngày mở cửa.

“Tất cả nhân viên của quá đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Khách vào quán được kiểm tra “thẻ xanh” đầy đủ. Các bàn ăn để giãn cách và hoạt động theo công suất quy định. Không được bán rượu bia thì dù bán nước ngọt và đồ ăn quán cũng chấp nhận”, anh Đạt cho biết.

Đồng quan điểm, chị Kim Đoan - chủ quán nhậu Lửa BBQ (quận Bình Thạnh) - sẽ vẫn cho quán hoạt động bất chấp việc thực khách chỉ được uống nước ngọt. Chủ quán đã phải vay mượn để duy trì cuộc sống gia đình, nuôi hơn 10 nhân viên trong gần nửa năm đóng cửa. Giờ được mở lại, chị Đoan phải vay mượn thêm để đầu tư lại vật dụng bếp cũng như bảng hiệu, bàn ghế lâu ngày không dùng đã bị hỏng.

6 tiêu chi để kinh doanh ăn uống được hoạt động

Ban Quản lý ATTP TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Dự thảo tờ trình bao gồm 6 tiêu chí. Đáng chú ý, tiêu chí số 6 quy định cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, không sử dụng điều hòa trong không gian kín; không bán rượu, bia. Số lượng người mua, bán cùng một thời điểm phải căn cứ trên cấp độ dịch của từng địa bàn.

Về nguyên nhân đề xuất không để cơ sở kinh doanh ăn uống bán rượu, bia, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - bà Phạm Khánh Phong Lan lý giải, quá trình sử dụng rượu, bia sẽ khiến thực khách giao tiếp nhiều, dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 

{keywords}
Nhiều chủ quán chấp nhận cho khách nhậu bằng nước ngọt thay rượu, bia (ảnh: Trần Chung)

Trước đó, ngày 19/10, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP được mở cửa hoạt động bình thường, được tổ chức hoạt động bao gồm cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.

Điều kiện để các cơ sở này hoạt động là đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21h, với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.

Theo Sở Công Thương, trên 98% người dân TP.HCM được tiêm một mũi và trên 75% với người đã tiêm hai mũi. Tỷ lệ này tiếp tục được nâng lên, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bình thường trở lại.

Hàng quán tại TP.HCM vẫn đang bán theo hình thức mang đi, chưa có kế hoạch phục vụ ăn uống tại chỗ, vì vậy nhiều hệ thống, chuỗi cửa hàng tiếp tục đóng cửa, một số địa điểm kết hợp với các nền tảng giao hàng bán mang đi nhưng hiệu quả không cao.

Như VietNamNet ghi nhận, các trục đường ăn nhậu nổi tiếng như: đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc bờ kè; đường Phạm Văn Đồng; đường Bùi Viện; đường Phan Xích Long trong cảnh "tiêu điều" sau thời gian dài giãn cách. Các mặt bằng kinh doanh vẫn đang đóng cửa, bị trả lại hàng loạt hoặc chuyển công năng sử dụng.

6 tiêu chí để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được hoạt động:

- Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

- Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở đúng quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu... ).

- Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao - nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng một lần.

- Người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ... ) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế (khai báo y tế, tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm và có âm tính với Covid-19).

- Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở hạn chế số lượng người bán, mua thực phẩm cùng một thời điểm.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19.

Trần Chung

Nhậu bờ kè, phố vui đặc trưng Sài Thành 'chết lặng'

Nhậu bờ kè, phố vui đặc trưng Sài Thành 'chết lặng'

Nhậu bình dân bờ kè nổi tiếng tại TP.HCM có thể sẽ biến mất. Tác động của dịch Covid-19 khiến cả trăm quán nhậu chạy dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa phải đóng cửa, sang nhượng mặt bằng hoặc chuyển đổi công năng sử dụng.