Anh N.L, chủ một cửa hàng đồ thể thao ở Hà Nội cho biết, trong kho hàng nhà anh phải có tới 80% là giày nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Stan Smith, Adidas. Hàng hóa đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc và được làm giống y hệt thiết kế của hãng. Tuy là hàng nhái nhưng các sản phẩm này đều được bọc trong những túi hộp giấy cẩn thận và có thẻ bảo hành. 

Đặc biệt, anh L. còn khẳng định, tất cả khách nhà anh đều biết đây là đồ rởm nhưng vẫn mua bởi giá quá rẻ, quá "hời". Nếu giá một đôi giày chính hãng Adidas lên đến 3 triệu đồng thì hàng nhái chỉ là 300.000 đồng.

"Khách mua hàng hiệu rởm thường có 2 chiều hướng, một là biết mà vẫn mua, hai là không biết do bị gài. Còn như nhà tôi thì cả chủ và khách đều biết rõ đây là hàng nhái" - anh nói.

{keywords}
Những sản phẩm rởm được "nhái" tương đối tinh xảo (Ảnh: Tổng cục QLTT).

Ngoài ra, anh này còn tiết lộ, trong thế giới hàng hiệu rởm còn được phân tầng, chia lớp. Một đôi giày giả thì có đến 5 - 7 loại với các giá tiền khác nhau. Giá càng cao thì hàng càng giống thật.

"Như giày replica là mặt hàng được sao chép, sản xuất dựa trên mẫu chính hãng một cách tỉ mỉ, tinh xảo với độ chính xác từ 95 - 99% nên có giá cao nhất. Tiếp theo là giày super fake, giày fake, giày rep 1:1 là sản phẩm có thiết kế khá giống so với ngoại hình của một đôi giày chuẩn nhưng khi so sánh với hàng Replica thì chất lượng kém hơn nhiều. Nhưng điểm chung của các dòng giày giả này là có giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1/5 hàng thật" - anh tiết lộ.

 Dù bán hàng rởm với giá rẻ nhưng anh vẫn thu về khoản lãi lớn, thậm chí lãi gấp đôi, gấp ba. Để kích cầu mua sắm, anh còn thuê hẳn đội chạy quảng cáo trên mạng, có cửa hàng hoành tráng với đội ngũ nhân viên, chăm sóc khách hàng rầm rộ.

Là một tay buôn hàng hiệu lâu năm, anh T.T (Hà Nội) thừa nhận, thi thoảng trong các kiện hàng của anh nhập về nước sẽ có một vài sản phẩm là hàng rởm. Bởi chỉ cần bán 2 - 3 chiếc túi, đôi giày hàng hiệu giả là anh có thể thu được khoản lãi lớn.

Để tạo niềm tin cho khách, anh thường xuyên phải lên mạng "sống ảo", khoe những bữa tiệc, chuyến du lịch sang chảnh, xa hoa. Thậm chí, anh phải đi xin hóa đơn, hộp đựng hàng hiệu thật về để chụp ảnh, đánh lừa khách.

"Mua hàng hiệu chính là mua sự tin tưởng nên phải làm sao cho khách tin là thật, càng giống thật càng tốt. Thế nên, hàng ngày, tôi lên mạng viết bài, xin hóa đơn về khoe lẫn cùng đồ rởm để đánh lừa khách", anh này thừa nhận.

Ngoài ra, anh T còn cho biết thêm, các công xưởng làm đồ hiệu rởm đa phần đến từ vùng Tô Châu, Quảng Châu ở Trung Quốc. Nếu không phải khách quen, mối tin cậy thì sẽ không bao giờ được dắt vào xưởng mà chỉ tiếp cận qua một bên thứ ba. Còn nếu muốn hàng càng giống thật thì phải bỏ ra số tiền lớn, đặt làm riêng theo yêu cầu.

"Như tôi là dân buôn lâu năm thì sẽ không phải làm việc qua đầu mối mà được dắt thẳng vào xưởng để xem, lựa hàng. Sau khi ưng ý, hàng sẽ được một công ty vận chuyển theo đường bộ về Việt Nam" - anh bật mí.

Như Dân trí đưa tin, ngày 17/3, Tổ 368 Tổng cục quản lý thị trường đã phối hợp với Cục QLTT Nam Định, Công an tỉnh Nam Định kiểm tra kho tàng trữ hàng hóa giả thương hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định. Chưa có con số chính xác song lực lượng quản lý thị trường đã phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm.

(Theo Dân Trí)