Năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi xôn xao trước thông tin nhiều người dân miền núi liên tiếp tìm được trầm hương và kỳ nam. Có thông tin cho rằng, nhiều người "trúng" được cả ba lô tiền. Cơn sốt tìm trầm, giấc mơ đổi đời từ trầm hương khởi phát từ đó.

Khoảng 15 năm trước, ông Hồ Văn Đơn (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) đứng ngồi không yên với thông tin nhiều người trúng trầm. Thế nhưng, tìm trầm trong rừng cũng giống mò kim đáy bể. Nhiều người dành cả cuộc đời "ngậm ngải tìm trầm" vẫn thất bại.

"Trầm hương hình thành trong thân cây dó bầu, vô cùng hiếm gặp. Kỳ nam cũng tương tự như trầm nhưng chất lượng tốt hơn nên càng quý hiếm hơn. Muốn tìm trầm phải đi vào những khu rừng sâu, nguy hiểm rình rập nên mới gọi là "ngậm ngải tìm trầm", ông Đơn chia sẻ.

{keywords}
Những vườn dó bầu từ 10  - 15 năm tuổi chi chít vết đục lỗ bỏ hóa chất tạo trầm.

Thất bại trong việc tìm trầm tự nhiên, ông Đơn và nhiều người khác nghĩ đến việc tạo trầm ngay trong vườn nhà bằng cách trồng dó bầu. Nhiều người mua cây giống, riêng ông Đơn lặn lội vào rừng tìm cây dó bầu tự nhiên.

Sau hàng chục chuyến rong ruổi trong rừng sâu, ông Đơn cũng tìm được hơn 100 cây dó bầu về trồng trong vườn nhà. Nhiều người tin rằng, cây dó bầu tự nhiên dễ tạo trầm hơn những cây được nhân giống bán hàng loạt.

Ông Đơn ươm cây dó bầu vào đất. Đất nuôi cây. Cây nuôi giấc mơ tỷ phú. Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua, cây dó bầu đã cao hơn nóc nhà nhưng chẳng thấy trầm đâu. Giấc mộng đổi đời của ông Đơn dần tan biến.

"Trầm đắt lắm, loại rẻ nhất cũng mấy chục triệu một ký. Ai cũng nghĩ trồng thật nhiều dó bầu rồi đục lỗ, thêm thuốc vào là sẽ tạo được trầm. Nghĩ là vậy nhưng chẳng ai ở đây tạo được trầm. Nhiều người nản chí chặt bỏ cả vườn", ông Đơn cho biết.

{keywords}
Những vườn dó bầu từng nuôi giấc mơ đổi đời của người dân vùng cao Quảng Ngãi nay dần bị chặt hạ.

Đợi chờ hàng chục năm, nhiều người đã "tỉnh mộng" tìm trầm. Tuy vậy, vẫn có người quyết nuôi hy vọng đổi đời với trầm hương.

Ông Hồ Tấn Lĩnh (xã Trà Sơn) từng sở hữu hàng trăm cây dó bầu. Qua thời gian, cây dó chết dần, hiện chỉ còn 80 cây khoảng 15 năm tuổi. Trong khi nhiều người chặt bỏ dó bầu thì ông Lĩnh vẫn tin mình sẽ thành công.

"Còn bấy nhiêu đó, cây cũng to lắm rồi nên sẽ tạo được trầm. Chỉ cần vài cây có trầm là thu được hàng trăm triệu đồng, trúng hơn thì có cả tiền tỷ", ông Lĩnh nói.

Mấy năm trước, sau thời gian dài đợi mòn mỏi mà vườn dó bầu vẫn "trơ trơ", ông Lĩnh nóng ruột tìm thợ giỏi can thiệp vào thân cây để tạo trầm. Những cây dó bầu được khoan lỗ, bỏ một loại hóa chất giúp kích thích cây tiết ra dầu và tạo trầm.

Cây sắp tạo trầm rồi, ông Lĩnh nói và mang ra nhiều mẩu gỗ dó bầu để minh chứng. Chỉ vào những vệt đen trong thớ gỗ, ông Lĩnh bảo đó là dấu hiệu tạo trầm. Tuy nhiên, trầm còn "non" nên vẫn chưa có mùi thơm đặc trưng, giá trị chưa cao.

{keywords}
Ông Hồ Tấn Lĩnh vẫn theo đuổi giấc mơ đổi đời với cây dó bầu và trầm hương.
{keywords}
 

Theo Chủ tịch UBND xã Trà Sơn Đinh Văn Phong, cách đây hàng chục năm, người dân trong xã đổ xô trồng dó bầu tạo trầm với ước mong đổi đời. Tuy vậy, chưa ai có thể tạo được trầm nên nhiều người phá bỏ cây dó bầu, trồng cây khác. Trồng dó bầu hàng chục năm nhưng thất bại, mất tiền, mất công chăm sóc khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn.

"Ở đây chưa ai tạo được trầm nên nhiều người cũng bỏ cây dó rồi. Những cây lớn thì có người mua lại nhưng rất rẻ, bán mỗi cây chỉ được mấy trăm ngàn đồng. Phần lớn diện tích trồng dó bầu được chuyển sang trồng keo vì chỉ sau 3 - 4 năm là có thu nhập", ông Sơn cho biết thêm.

(Theo Dân Trí)