Giá dầu cao kỷ lục
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 16h43' ngày hôm nay (3/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 115,9 USD/thùng, tăng 2,95 USD, tương đương 2,61% so với ngày hôm qua. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 được giao dịch ở mức 113,5 USD/thùng, tăng 2,91 USD, tương đương tăng 2,63%.
Trước đó, vào lúc 15h20' ngày hôm nay (3/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã đạt mức 119,5 USD, mốc giá cao nhất từ trước đến nay. Lần gần nhất, giá dầu Brent đạt 116 USD/thùng vào tháng 8/2013.
Giá dầu thế giới gần đây đã tăng rất "sốc" và liên tục lập đỉnh mới. Chỉ tính riêng trong tuần này, giá dầu Brent đã tăng gần 20%.
Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng mạnh do lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung vì tác động chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Hiện Nga cung cấp ra thị trường khoảng 7 triệu thùng ngày, chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu. Đây là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã miễn trừ lĩnh vực năng lượng nhưng các thương nhân vẫn né tránh giao dịch dầu của Nga. Điều này khiến nguồn cung dầu thế giới thêm căng thẳng.
Hiện Mỹ và các nước đồng minh đang có kế hoạch mở 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để giảm áp lực về giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái này không thể xoa dịu lo ngại gián đoạn nguồn cung từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bởi 60 triệu thùng dầu cũng chỉ tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn thế giới.
Nhiều đồn đoán cho rằng nguồn cung dầu sẽ thiếu trong vài tháng tới do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc nhiều công ty lớn rút khỏi lĩnh vực dầu của nước này.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh |
Sự gián đoạn thương mại và khó khăn trong việc vận chuyển do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây lo ngại về nguồn cung dầu mỏ. Thêm vào đó, lượng dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm qua.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm, với lượng trữ tại trung tâm giao nhận dầu thô Cushing, Oklahoma hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2018, trong khi dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất.
Như vậy, giá dầu đã tăng gần 20% trong tuần này, trong khi mọi thứ, từ than đá đến khí đốt tự nhiên, nhôm… cũng đều cháy hàng.
Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu trong thời gian tới có thể tăng mạnh hơn nữa do gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Mới đây, chuyên gia Carlos Casanova của Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ) nhận định: "Trong trường hợp những diễn biến liên quan đến nguồn cung từ Mỹ hoặc các cuộc đàm phán ở Vienna không diễn ra như kỳ vọng, giá dầu có thể chạm mốc 150-170 USD/thùng".
Còn nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley của Công ty Oanda (Mỹ) chia sẻ trên đài Al Jazeera rằng giá dầu sẽ tăng mạnh, lên 120 USD/thùng, khi thị trường nếm trải đầy đủ tác động chiến dịch quân sự của Nga.
Tháng trước, Công ty JPMorgan Chase & Co. của Mỹ cũng cảnh báo nếu giá dầu chạm ngưỡng 150 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm nay có thể xuống mức dưới 1%.
Trong khi đó, Ngân hàng ANZ của Australia nhận định, giá dầu có thể đạt 125 USD/thùng trong ngắn hạn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ trầm trọng thêm.
Giá khí đốt tăng gần 60% trong một ngày
Vào hôm qua (2/3), giá khí đốt giao tháng 4 trên sàn TTF của Hà Lan đạt 2.226 USD/1.000 m3, tăng 42,3% so với ngày 1/3. Mức giá này gần bằng mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng hơn 1.000%.
Còn tại Anh, giá khí đốt giao tháng 4 trên sàn giao dịch London ICE ngày 2/3 đạt gần 2.230 USD/1.000 m3. Mức giá cho hợp đồng khí đốt tháng 4 vào ngày 1/3 chỉ ở mức 1.1396,5 USD/1.000 m3. Như vậy, giá hợp đồng khí đốt tương lai tại Anh ngày 2/3 đã tăng tận 59,4% so với ngày 1/3.
Giá gas hôm nay (3/3) vẫn tiếp tục tăng mạnh. Vào sáng nay, giá khí gas tự nhiên giao tháng 4 đã tăng hơn 1% lên 4,86 USD/mmBTU.
Giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trước những lo ngại về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn nguồn cung.
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Châu lục này nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Trong đó, Đức nhập khoảng 50% khí đốt từ Nga. Còn Áo, Slovakia, Hungary và Slovenia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Hiện mức lưu trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên vào mùa đông.
Mới đây, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và nhiều nước khác tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với một số pháp nhân và cá nhân của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Nhiều thương nhân đã né tránh giao dịch dầu mỏ, khí đốt với Nga. Centrica, tập đoàn năng lượng lớn của Anh, đã dừng hợp đồng mua khí đốt từ các công ty Nga. Nhiều công ty dầu mỏ lớn trên thế giới như BP, Shell đã rút khỏi Nga.
Đức vừa tuyên bố ngừng xem xét cấp phép cho tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, vốn được xây dựng để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới biển Baltic, bỏ qua tuyến đường bộ đi qua Ukraine. Theo đánh giá, đường ống này sẽ rất hiệu quả để cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Không chỉ giá dầu và khí đốt, xung đột giữa Nga và Ukraine còn khiến nhiều loại vật liệu xây dựng và nhiên liệu khác như thép, nhôm, quặng sắt, than... tăng giá mạnh, lập kỷ lục mới.
Tiến Dũng
Nóng bỏng Nga - Ukraine, điểm những mặt hàng tăng giá khủng khiếp
Chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiều loại vật liệu xây dựng và nhiên liệu trên toàn thế giới như thép, nhôm, dầu, gas, quặng sắt... tăng mạnh, lập kỷ lục mới.