Thách thức rượu thủ công 

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ngộ độc rượu chiếm trên 20% trong các vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam. Đây là con số rất đáng lo ngại.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội gần đây, tình trạng ngộ độc rượu có chiều hướng gia tăng. Riêng trong tháng 10/2020, có 18 trường hợp ngộ độc, phần lớn các ca đều nặng và nhiều trường hợp đã tử vong.

Tại Việt Nam, các loại đồ uống có cồn bất hợp pháp, không chính thức vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường, chẳng hạn như rượu do người dân nấu thủ công. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, có từ 230-280 triệu lít rượu thủ công mỗi năm chưa được quản lý. Tức là số rượu này được các cơ sở tự nấu, tự buôn bán, nhưng không xin cấp phép, không đăng ký với chính quyền địa phương, theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Mỗi năm có từ 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa được quản lý tung ra thị trường.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2008/NĐ-CP, quy định kinh doanh rượu phải được cấp phép. Thế nhưng, đến nay số cơ sở kinh doanh rượu thủ công được cấp phép, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo Bộ Công thương, chỉ có khoảng 15% cơ sở rượu thủ công trên toàn quốc được cấp phép. Quản lý rượu thủ công vẫn là thách thức lớn nhất nhất hiện nay.

Mặc dù có nhiều quy định, từ Nghị định, tới Luật về quản lý rượu, bia trong đó có rượu thủ công đã được ban hành. Tuy nhiên, khảo sát tại một số địa phương có sản lượng lớn về rượu thủ công như Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình,... cho thấy, nhiều người không hề biết đến quy định về xin cấp phép sản xuất kinh doanh rượu, hoặc có biết cũng lơ mơ và phớt lờ.

Chẳng hạn tại xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là nơi có nghề nấu rượu truyền thống. Hiện có trên 400 hộ nấu rượu thủ công bán lẻ, bán buôn cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các tỉnh lân cận. Có gia đình có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nấu rượu, mỗi ngày nấu gần 100 lít rượu, vào dịp lễ tết tới vài trăm lít. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xin đăng ký, xin cấp giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì tỏ ra khá bất ngờ và nói không biết gì cả.

Tại Ninh Bình, ước tính sản lượng rượu thủ công lên tới hơn 5 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh thừa nhận, các cơ sở nấu rượu đăng ký với chính quyền, xin cấp phép rất ít.

Tại Bắc Giang mới có hơn 300 cơ sở trong tổng số gần 4.000 cơ sở nấu rượu được cấp giấy phép. Tại Nam Định, chưa tới 100 cơ sở đăng ký trong tổng số hàng nghìn cơ sở nấu rượu trên toàn tỉnh.

{keywords}
Quản lý rượu thủ công vẫn là thách thức lớn nhất nhất hiện nay.

Thiếu khả thi

Thực tế cho thấy, phần lớn rượu thủ công lưu hành trên thị trường hiện nay đều không được công bố chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ, không tem, nhãn,... Không ít trường hợp người kinh doanh gian dối, cạnh tranh, chạy theo lợi nhuận, trộn lẫn cồn với các hóa chất vào rượu để bán.

Trong khi đó, khảo sát mới đây về tiêu dùng rượu, bia của Viện Dân số và các vấn đề xã hội và ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội với 5.175 hộ gia đình tại 12 tỉnh, thành cả nước cho thấy, tỷ lệ người uống rượu thủ công chiếm tới 77,6% trong tổng số những người uống rượu, bia. Vì vậy, có thể nói rượu thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam, mặc dù các quy định về pháp luật đã khá đầy đủ với quản lý rượu thủ công, nhưng các cơ sở vẫn không chịu đăng ký.. Họ cho rằng không đăng ký cũng chẳng làm sao cả, còn đăng ký thì mất thêm chi phí, thời gian mà chẳng được ích lợi gì hơn, có khi còn bị các cơ quan chức năng thường xuyên hỏi thăm.

Vì vậy, trước hết cần phải bổ sung các chế tài dành cho những hành vi không tuân thủ pháp luật và đẩy mạnh tuyên truyền, để các cơ sở rượu thủ công ý thức được việc không tuân thủ pháp luật sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Cùng với đó, phải có những hành động thiết thực mang lại lợi ích thấy rõ, cho những cơ sở tuân thủ pháp luật. Chẳng hạn như hỗ trợ về kỹ thuật, để đảm bảo và nâng cao chất lượng, tận dụng phế thải, giảm chi phí, tạo đầu ra cho sản phẩm bài bản... Có như vậy mới thay đổi được tình hình hiện nay. 

{keywords}
Lễ phát động chiến dịch tự nguyện kê khai, đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công tại xã Lai Thành
Hiệp hội Bia, Rượu và Nước giải khát Việt Nam cùng Diễn đàn Uống có trách nhiệm hợp tác với Sở Công Thương Ninh Bình thực hiện chương trình tăng cường năng lực quản lý rượu thủ công. Chương trình triển khai nhiều hoạt động bao gồm: vận động cơ sở rượu thủ công chấp hành các quy định pháp luật, tập huấn cho cán bộ chuyên trách tại địa phương và tổ chức các hội thảo đánh giá quá trình hoạt động. Ngày 17/11/2020, Chương trình đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch tự nguyện kê khai, đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công tại xã Lai Thành, thu hút 200 cơ sở tham dự và một số đã ký cam kết sẽ làm thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. Sau thời gian thực hiện sẽ tổng kết, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức để xây dựng chương trình chung, mở rộng mô hình trên nhiều địa phương khác, qua đó giúp nâng cao việc quản lý rượu thủ công.

Trần Thủy