Gần đây, ở Hà Nội và một số tỉnh thành, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu, với hàm lượng độc tố methanol cao hơn đến vài nghìn lần mức cho phép. Dư luận hoang mang đặt câu hỏi: Vậy thì rượu độc chứa methanol đáng sợ đó ra đời từ đâu?
Khi chúng tôi có mặt ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, trên con đê sông Cầu chạy dọc thôn Đại Lâm của xã, vẫn la liệt các thùng phuy loại 100, 200 và 300 lít. Ông Chủ tịch UBND xã Tam Đa thở dài: Bà con ở đây không gọi là rượu sắn, rượu gạo hay rượu cồn (vì pha bằng cồn) mà gọi nó là rượu đê. Điểm tập kết “bán buôn” lớn nhất là ở khu vực cầu Tó, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Từ đây, rượu được phù phép thành đủ thứ khác nhau để đi vào miệng người tiêu dùng.
Trước đó, chúng tôi đã trực tiếp xem người ở khu vực Thanh Trì (HN) pha rượu cồn, rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc thành rượu nếp cẩm, rượu nếp cái hoa vàng, rượu thuốc dân tộc màu mè xanh đỏ. Hàng chục loại rượu ra đời từ cùng một thứ nguyên liệu: Rượu pha bằng cồn trôi nổi, thậm chí cồn công nghiệp độc hại. Muốn biến thành rượu nếp cẩm, nấu cơm gạo cẩm lên, bóp vụn nó ra, thả vào. Muốn thành rượu nếp cái hoa vàng, rượu hương cốm mới thì có một chai nước trong vắt không biết từ đâu đến, bà con gọi đó là nước tạo mùi (hương liệu), thả vài giọt là thơm nức. Cứ thế đóng chai đem đi bán.
“Công nghệ” dùng máy bơm hút nước lã lên, xả thẳng vào phuy, trộn cồn trôi nổi, làm ra “rượu” tuồn ra thị trường. |
Muốn thành rượu thuốc “dân tộc cổ truyền”, mua ít thuốc bổ phế mùi hăng hắc thơm thơm đổ vào, xong! Đặc biệt, họ thường biến rượu “đê” thành rượu quê nút lá chuối. Họ làm một cái rổ cũ, bỏ ít lá chuối vào, đổ rượu vào các can nhỏ, cho một chị có gương mặt đặc nông dân nghèo đạp xe đi bán.
Công nghệ “nấu” rượu không cần lửa!
Ông Nguyễn Văn Tôn - Chủ tịch UBND xã Tam Đa trong hai lần trả lời PV Báo Lao Động, lần nào cũng thẳng thắn: Mọi chuyện vẫn thế. Tức là họ vẫn “pha” rượu để bán. Chúng tôi - cán bộ xã - biết quá rõ nên không bao giờ uống rượu “đê”, đã uống phải thửa nếp cái hoa vàng thì mới yên tâm. Vì bà con rẻ rúng sợ hãi rượu cồn, nên tư thương cứ vứt các phuy lăn lóc dọc đường, có chỗ dựng phuy làm bờ tường nhà luôn. Trên phuy ghi số điện thoại, ai mua thì gọi, mối quen gọi mới bán.
Công nghệ xô chậu, ống dẫn nước lã dài ngoằng để sản xuất rượu, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng |
Công nghệ làm rượu trên đường đê |
Dùng máy bơm hút nước lã lên, xả thẳng vào phuy, trộn cồn trôi nổi, làm ra mỹ tửu bán cho dân lành |
Một người đàn ông đứng bơm nước lã vào phuy để làm rượu độc, giữa thanh thiên bạch nhật, ven đường đông đúc |
Chai hương liệu, hóa chất dùng để phù phép biến rượu cồn thành đặc sản |
Ông X, một chủ xe tải chỉ cho chúng tôi cách xâm nhập và chứng kiến cảnh pha rượu bằng nước lã với cồn. Ăn mặc đơn giản, lại nhờ thêm nữ phóng viên vào cuộc giả “bà buôn” đi tìm mối, chúng tôi đã tiếp cận, quay phim chụp ảnh được quá trình bà con bắc máy bơm cũ gỉ chạy ầm ầm, hút nước ngầm lên, bơm vào phuy cồn để khuấy đều làm rượu. Có được phuy rượu cồn vô cùng độc hại rồi. Dụng cụ duy nhất được sử dụng đó là cái tửu kế để đo độ của rượu.
PV từng đi phân tích mẫu rượu mẫu cồn thu được ở làng “rượu đê” phân phối khắp miền Bắc kể trên cho kết quả ra sao? Các đầu nậu đổ bán cho các quán ăn ở Hà Nội như thế nào?
Rượu cực độc giết người bao giờ hết? Theo báo cáo mới nhất về các trường hợp ngộ độc rượu methanol của Chi cục VSAT TP. Hà Nội- Sở Y tế Hà Nội, lũy tích từ ngày 26.2 đến nay, tổng số đã có 21 bệnh nhân phải cấp cứu vì ngộ độc methanol (19 bệnh nhân nam, 2 nữ, tuổi từ 21 - 60). Địa chỉ cư trú tại 6 quận, huyện: Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Vụ 11 sinh viên đang học Sư phạm Mầm non - Trường Sư phạm Tiểu học Hải Dương, chi nhánh Trường Cao đẳng cộng đồng ngộ độc do uống rượu methanol trong bữa liên hoan tối 8.3 hiện vẫn đang được điều trị tích cực. Qua xác minh, tại ngõ 259 Yên Hòa có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17. Tại số nhà 5B ngõ 259 Yên Hòa, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Rượu ở đây được nhập từ rượu “Bắc Hùng” (tại cụm 8 làng Thủy Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Tại cửa hàng số 17, cơ quan chức năng đã xác minh đầu mối cung cấp rượu tại đây là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”. Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và cho nhiều cửa hàng ăn, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội với mức giá chỉ 7.000 - 8.000đ/chai 500ml. |
(Theo Lao Động)