Vừa thỏa mãn đam mê của mình đối với hoa hồng, chị Hằng Karose vừa có thể có thu nhập khá nhờ bán các sản phẩm được chế biến từ hoa hồng trồng trong vườn của chị.

Người ta trồng rau sạch, mình trồng hoa sạch

Sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng vườn hồng rộng bạt ngàn trên vườn đồi,chị Hằng Karose (Bùi Thị Thanh Hằng - sinh năm 1980) ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) dừng lại, với tay hái mấy bông hồng nhung đỏ thắm rồi đưa chúng tôi và bảo: “Hồng nhung là giống hồng bản địa có mùi hương thơm nhất, đặc biệt, đây là hoa hồng tự nhiên, sạch 100% nên ngửi thoải mái mà không lo độc hại, thậm chí nếu thích có thể bứt cánh ăn luôn tại vườn”.

Chị Hằng chia sẻ, phần lớn mọi người đều nghĩ làm nông nghiệp sạch là trồng rau sạch, nuôi lợn sạch, nuôi gà sạch,... nhưng với chị, chị lại nghĩ ngay đến việc trồng hoa hồng sạch, vì chị yêu thích hoa hồng từ nhỏ.

{keywords}
Hoa hồng đang đua nhau nở trong vườn hồng của chị Hằng Karose

Chị tâm sự mình có niềm đam mê với nông nghiệp tự nhiên và thích sưu tầm và gìn giữ các giống cây, con bản địa. Chị cho biết, nếu sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì những chất độc hại sẽ ngấm dần xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm, làm chai đất và mất đi sự trong lành, tinh khiết của khu vườn. Chủ nhân và công nhân trong vườn sẽ là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên, sau nữa là những khách hàng của mình.

“Nghĩ vậy, tôi quyết tâm trồng hoa hồng theo phương pháp tự nhiên, kiên quyết nói không với phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”. Hoa được chăm bón bằng phân chuồng ủ hoai kết hợp phủ rơm để tạo mùn cho đất. Quả thật, từng lớp đất tơi xốp, đen láy, màu mỡ có thể cảm nhận được rõ dưới bước chân chúng tôi.

Chị kể, sâu bệnh được chị khống chế bằng việc đa dạng hoá các loại cây trong vườn, tránh độc canh để tạo sự cân bằng của khu vườn tự nhiên cũng như sử dụng các loại chế phẩm tự nhiên như quả bồ hòn, rượu tỏi... để xua đuổi. Nước tưới cây cũng là nước giếng khoan chứ không phải là nước mặt từ ao hồ.

{keywords}

Mỗi ngày chị thu hái khoảng 10kg cánh hoa hồng, thậm chí có ngày tới 20kg nếu hoa nở rộ

Đặc biệt, xung quanh mỗi vườn, chị tổ chức hàng rào ngăn cách và tạo vùng đệm (khu đất bỏ không) để tránh lây nhiễm chéo từ những khu vườn nhà bên cạnh (đây là điều kiện bắt buộc của phương pháp trồng hữu cơ).

Nhờ được trồng và chăm sóc theo phương pháp tự nhiên nên vườn hoa của chị lúc nào cũng nở rực rỡ, hương thơm tỏa lan, ong bướm bay dập dìu.

Thu hàng tỷ từ vườn hồng

Chị Hằng tâm sự, từ khi còn nhỏ, nhà chị đã trồng cả vườn hoa hồng mấy trăm gốc. Tuy nhiên, khi vườn hoa càng ngày mở rộng và chị muốn kinh doanh từ hoa thì chị phân vân, nếu trồng để lấy bông bán thì không đem lại hiệu quả kinh tế cao. "Tôi muốn làm gì đó để tạo giá trị gia tăng trong nông nghiệp, cụ thể là giá trị gia tăng cho hoa hồng mà tôi trồng", chị nói. Khi đang lưỡng lự chưa biết làm thế nào, chị được một người bạn gợi ý thử chưng cất nước hoa hồng để dưỡng da.

“Tìm hiểu thêm, tôi thấy sản phẩm nước hoa hồng của nước ngoài giá thành khá đắt đỏ, trong khi đó, các loại hoa hồng bản địa tôi trồng trong vườn hoàn toàn có thể làm ra được những sản phẩm tương tự như vậy”, chị nói. Chị cho biết đọc tài liệu nước ngoài đều thấy nói hồng đỏ là loại hoa phù hợp nhất để dưỡng da, đứng trên cả loại hồng Damask nổi tiếng của Bulgaria (vốn chỉ cho trữ lượng tinh dầu cao). Từ đó chị càng tự tin hơn với giống hồng bản địa mình chọn.

{keywords}
Hoa hồng thu hái được đem chưng cất thành nước hoa hồng

Từ ý tưởng đó, suốt hai năm trở lại đây, chị tập trung phát triển vườn hoa hồng, dồn hết thời gian rảnh và tâm huyết của mình tạo ra những sản phẩm từ những đóa hồng tự nhiên trồng trong vườn.

Khi mới bắt tay vào làm, chị gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự mình lần mò. Từ chuyện lên mạng tìm kiếm, tham khảo tài liệu của nước ngoài đến cách chưng cất như thế nào cho thành công. Miệt mài nghiên cứu sản phẩm, tổ chức sản xuất, xây dựng hệ thống bán hàng, có những ngày chị lái xe cả trăm cây số và chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ.

Giai đoạn chưng cất thử, chị phải thử đi thử lại nhiều lần. Đơn cử, các giống hoa hồng khác nhau khi chưng cất sẽ cho ra mùi khác nhau, cách nấu khác nhau cho ra mùi khác nhau, thời điểm hái hoa khác nhau cũng cho ra mùi khác nhau,...

Thử đi thử lại, chị đã tìm ra cho mình một công thức chuẩn ưng ý nhất khiến nhiều khách hàng "nghiện".

{keywords}
Hoặc sấy thành trà hoa hồng

{keywords}
Sản phẩm của chế biến từ hoa hồng của chị luôn trong tình trạng cung không đủ cầu

Đem mẫu nước cất hoa hồng đi kiểm tra tại nhiều nơi chị đều nhận được cùng kết quả: nước hoa hồng của chị hoàn toàn không chứa kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm nấm và các loại vi sinh vật gây hại. Sản phẩm 100% nguyên chất, không chứa cồn hay bất kỳ phụ gia hay chất bảo quản nào.

Cơ sở sản xuất của chị cũng được Sở Y tế Hà Nội cấp chứng nhận là cơ đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm nước hoa hồng Karose cũng đã được phép công bố lưu hành.

Thành công với sản phẩm nước hoa hồng, chị lại tiếp tục làm cánh hoa hồng sấy (có thể uống như trà). Sản phẩm này có thể giúp người dùng xua đi nỗi lo sử dụng sản phẩm trà hoa trôi nổi trên thị trường.

Chị Hằng cho hay, sau 2 năm vật lộn để gây dựng vườn nguyên liệu với tổng cộng 4 héc-ta, từ năm nay chị sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển, đa dạng hơn các sản phẩm từ hoa hồng. Bây giờ công việc đã đi vào quỹ đạo hơn, nhân viên quen việc hơn nên chị cũng đỡ vất vả.

Trung bình mỗi ngày chị thu hái khoảng 10 kg hoa hồng tươi (đã tách cuống chỉ lấy nguyên cánh hoa), thời điểm rộ hoa nhất chị thu hái khoảng 20 kg/ngày. Hoa trồng theo phương pháp tự nhiên nên sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hoa nhiều hay ít, đúng rộ hay đợt cây nghỉ. Mỗi tháng, chị đang bán ra thị trường khoảng 2.000 lọ nước hoa hồng, doanh thu tới 250 triệu đồng/tháng.

Băng Dương