Nội Bài ngừng tiếp nhận khách sẽ gây thiệt hại lớn

Giải thích cho kiến nghị trên, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đưa ra 4 lý do để các địa phương cân nhắc xem xét mở lại các đường bay.

Thứ nhất, từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Lỗ hàng không ngày càng lớn, dự báo năm nay có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.

Việc đóng cửa bầu trời khiến ngành hàng không Việt Nam thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày (70% khách du lịch do hàng không vận chuyển).

Thứ hai, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng bay trong nước. Hầu hết khách đi/đến đều liên quan đến hai sân bay này.

“Nếu Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại định kỳ thì sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, cho người dân và cho kế hoạch phục hồi kinh tế”, văn bản nêu rõ.

{keywords}
Các hãng hàng không đã sẵn sàng mở bán vé và bay trở lại 

Thứ ba, hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng. Phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Hành khách cũng được yêu cầu test nhanh Covid-19 chiều đi tại cảng trước khi lên tàu bay (kể cả khách đã có kết quả âm tính 72h trước khi đến cảng hàng không).

Thứ tư, tỷ lệ tiêm vắc xin của Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có dịch đạt rất cao, cần ưu tiên cho các đối tượng này đi lại, làm việc, sinh hoạt bình thường, kể cả đến từ vùng dịch.

Chưa kể, theo lãnh đạo VABA, thời điểm này cho phép mở bay, đặc biệt là bay giá rẻ, sẽ giúp người dân trở về quê an toàn, không phải đi xe máy hàng nghìn ki lô mét.

Do đó, VABA đề nghị UBND các tỉnh, thành  TƯ đồng thuận việc mở lại các đường bay thương mại chở khách định kỳ, đặc biệt là các chuyến bay đi/đến Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất từ ngày 10/10 và không cách ly tập trung đối với khách âm tính và chỉ theo dõi, quản lý bằng công nghệ.

Ngoài ra, trong công văn gửi UBND TP. Hà Nội ngày 6/10, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất Hà Nội về kế hoạch tạm thời khai thác các đường bay đi/đến Nội Bài như sau: Phương án 1, tổ chức chuyến bay Hà Nội - TP.HCM với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày; Phương án 2, chỉ vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi TP.HCM, tần suất ban đầu là 4 chuyến/ngày.

Đối với các địa phương khác, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay với từng địa phương.  

Sẵn sàng mở bán vé

Các hãng hàng không trong nước rục rịch chuẩn bị, ngay khi được phép sẽ mở bán vé máy bay. 

Vietnam Airlines Group dự kiến khôi phục hoạt động vận tải hành khách trên 7 đường bay nội địa từ ngày 10/10. Các hãng sẽ mở bán vé trên toàn hệ thống ngay khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Cụ thể, Vietnam Airlines và Pacific Airlines dự kiến khôi phục các đường bay hai chiều giữa TP.HCM và Thanh Hóa, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phú Quốc với tần suất mỗi hãng 1 chuyến/ngày. VNA cũng mở lại đường bay hai chiều giữa TP.HCM và Huế với tần suất 1 chuyến/tuần, đường bay một chiều từ Vinh đến TP.HCM với tần suất 2 chuyến/tuần.

Do kế hoạch khai thác có thể bị thay đổi tùy tình hình dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách, hành khách mua vé từ nay đến 31/10/2021 sẽ được miễn toàn bộ phí đổi vé.

Với Vietjet Air, hãng cũng dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối TP.HCM với Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa, Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) với tần suất từ 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay Thanh Hóa - Nha Trang và Thanh Hóa - Phú Quốc sẽ khai thác 2 chuyến khứ hồi/ tuần.

Theo quy định, các chuyến bay sẽ thực hiện giãn cách ghế ngồi trong khoảng thời gian từ 10-19/10.

Từ 10/10, Bamboo Airways cũng dự kiến khôi phục các đường bay kết nối TP HCM với Thanh Hoá, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Phú Quốc. 

Đến hết ngày 6/10, có thêm một số địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Cục Hàng không Việt Nam mở đường bay nội địa đến Côn Đảo, trước mắt theo chương trình thí điểm đón và phục vụ khách du lịch tại Resort Six Sense Côn Đảo kể từ ngày 15/10.

Với Lâm Đồng, địa phương cũng cơ bản thống nhất với kế hoạch mở lại đường bay từ Lâm Đồng đi/đến Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhưng tần suất phù hợp theo nghiên cứu của Cục Hàng không. Riêng với đường bay đi/đến TP.HCM và Cần Thơ, tỉnh đề nghị chưa mở lại đường bay.

Tỉnh Quảng Bình đề xuất khai thác tuyến Quảng Bình - Hà Nội tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần; tuyến Quảng Bình - TP HCM tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần

Cà Mau cũng hoàn toàn ủng hộ kế hoạch mở lại đường bay tới địa phương này của Cục Hàng không.

Như vậy, tính đến hết ngày 6/10, 18 tỉnh, thành đã có văn bản phản hồi về Cục Hàng không về việc mở lại đường bay tới địa phương. Trong số này, có 7 địa phương thống nhất toàn bộ với nội dung kế hoạch của cơ quan chức năng; 4 địa phương chưa đồng ý gồm Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai và Cần Thơ.

Ngọc Hà

Khởi động bay nội địa từ 10/10

Khởi động bay nội địa từ 10/10

10 đường bay nội địa dự kiến sẽ khai thác từ 10/10, trong đó không có đường bay đi/đến Nội Bài (Hà Nội). Hành khách đi máy bay phải tiêm đủ hai liều vắc xin, ngồi giãn cách.