Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, năm nay vải thiều được mùa, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-9 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi. Tính đến ngày 7/6, khoảng 53 nghìn tấn vải thiều đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tại Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết, “Vải thiều Bắc Giang đã bước vào vụ thu hoạch và có thể khẳng định quả vải thiều có chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước”.
Các siêu thị bán lẻ đồng loạt đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang (ảnh: Thanh Tân) |
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ thường trực Công ty VinCommerce (đơn vị sở hữu VinMart và VinMart+), cam kết, đơn vị này sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm nông sản, đặc sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang; đem các sản phẩm của Bắc Giang tới tận tay người tiêu dùng trên toàn quốc.
“VinCommerce cam kết chung tay với bà con nhân dân Bắc Giang, đẩy nhanh việc thu mua, và tăng cường sản lượng tiêu thụ trái vải thiều Lục Ngạn tại 2.500 điểm bán VinMart và VinMart+”. Bà Phương khẳng định và “chốt đơn” mua 2.000 tấn vải thiều Bắc Giang trong vụ mùa này.
Bà Trần Kim Nga - đại diện MM Mega Market - cũng cho hay, đơn vị này đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tại hệ thống siêu thị của MM Mega Market có một đảo vải thiều lớn Lục Ngạn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Dự kiến, hệ thống này sẽ tiêu thụ 500-700 tấn nông sản của Bắc Giang, chủ yếu là vải thiều”.
Không chốt con số cụ thể, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho hay, ngoài bán trực tiếp thì hệ thống siêu thị GO! và BigC đang đẩy mạnh kích cầu tiêu trái vải thiều trên nền tảng thương mại điện tử.
“Dù mới bước vào chính vụ vải thiều ít ngày, Central Retail đã tiêu thụ hàng trăm tấn vải. Đây là tín hiệu tích cực cho vụ vải năm nay, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19”, bà Vân chia sẻ.
Quả vải: “Câu chuyện làm quà” ở Nhật
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - kể rằng, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen về sự tươi ngon của quả vải thiều Việt. Họ chọn mua vải làm quà tặng gia đình, bạn bè.
Lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật dự kiến tăng mạnh |
Năm nay, câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam được trao đổi thường xuyên và trở thành chủ đề “câu chuyện làm quà” trước khi trao đổi công việc chính tại các buổi tiếp xúc với đối tác Nhật. Các tin tức liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin tức của cộng đồng người Việt tại Nhật, ông cho hay.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu, vải thiều Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần tại thị trường này, xếp thứ ba sau Trung Quốc và Đài Loan. Thị phần vải thiều Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong năm nay, lên gấp nhiều lần, do loại quả đặc sản này đang gây được hiệu ứng tốt.
“Như thông tin trao đổi với các công ty xuất khẩu Việt Nam và công ty nhập khẩu Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được đưa sang Nhật Bản trong vụ mùa này”, ông Nam thông tin.
Cuối tháng 5 vừa qua, lô vải đầu tiên của Bắc Giang lên đường sang Nhật. Sau khi lây quầy kệ, 20 tấn vải thiều đã được bán hết sạch chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ với giá dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, tháng 3 vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang thị trường này và mở rộng tiêu thụ ra các nước khác như Singapore, Thái Lan, các nước châu Âu,...
Năm 2021, Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220ha, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Có 5 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật.
Tâm An
Hành trình 'chuyển quân', thần tốc cùng điểm nóng Bắc Giang
Sự vào cuộc của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), vải thiều Bắc Giang đã có một “hành trình số” ưu việt nhất như một cuộc 'chuyển quân' lên sàn đưa hàng đến tay người tiêu dùng.