Nhãn đang vào vụ thu hoạch rộ tại huyện Sông Mã. Tuy nhiên, theo người dân trồng nhãn, trái với không khí hối hả, nhộn nhịp của thương lái từ khắp nơi ùn ùn đổ về thu mua như mọi năm, thời điểm này, không khí tại đây có phần im ắng hơn.
Anh Bùi Văn Hà - một hộ trồng nhãn ở xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) - cho biết, nhà anh trồng được khoảng 150 gốc nhãn. Nhãn năm nay được mùa, ước tính vụ nhãn năm nay cho thu hoạch gần 20 tấn quả.
Dù nhãn được mùa nhưng cả tháng nay, anh Hà vẫn thấp thỏm, đứng ngồi không yên bởi nỗi lo được mùa mất giá. Nếu cùng kỳ năm ngoái, giá nhãn tươi anh bán tại vườn dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg thì hiện tại, nhãn rớt giá chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg.
Nhãn sông Mã được mùa nhưng lại mất giá (ảnh: Nguyễn Phương) |
Theo anh Hà, sở dĩ chính vụ giá nhãn Sông Mã giảm mạnh là bởi khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, có nơi cấm chợ nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Thương lái về thu mua cầm chừng, ít hơn so với mọi năm.
Những năm trước, anh chủ yếu bán cho thương lái chuyển đi Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên và một số tỉnh lân cận. Nhưng năm nay, việc vận chuyển, đi lại hạn chế nên vắng bóng thương lái đến thu mua. Như đợt này, chỉ có một số thương lái về lấy hàng chuyển đi Lào Cai, Yên Bái.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lò Văn Hào - hộ có đến 3ha trồng nhãn tại Sông Mã - cũng mất ăn mất ngủ vì một mùa nhãn mất giá. Anh chia sẻ, nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày, hương vị thơm ngọt nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Như mọi năm, nhãn anh chủ yếu chuyển đi tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Thương lái về tận nơi thu mua, có khi hái không kịp bán. Từ khi dịch bệnh bùng phát, xe không lên thu mua được, chỉ rải rác thương lái ở một số tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ về lấy hàng.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tiêu thụ nhãn gặp khó (ảnh: Nguyễn Phương) |
Năm nay, giá nhãn xuống thấp, bằng một nửa so với những năm trước. Năm ngoái, giá nhãn đầu mùa dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg. Đến thời điểm này khi chính vụ, giá nhãn tại vườn chỉ còn 8.000-12.000 đồng/kg, tùy loại. Còn loại nhãn xoáy để sấy làm long nhãn vẫn giữ giá, từ 7.000-7.500 đồng/kg.
Theo anh Hào, mùa nhãn tại đây chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ tháng 7 đến cuối tháng 8 là hết. Hiện là lúc nhãn chín rộ. Mỗi ngày, anh Hào hái được vài ba tấn. Nhưng việc tiêu thụ rất chậm nên anh chủ yếu thu hoạch để sấy làm long nhãn, bảo quản quả được lâu hơn.
“Tôi mới bán được chưa đầy một nửa số lượng nhãn tươi tại vườn. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, điệp khúc được mùa mất giá kéo dài thì người nông dân chỉ có lỗ nặng”, anh ngao ngán.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết, diện tích trồng nhãn của huyện là 7.286 ha, tập trung ở các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Mường Hung, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Mường Lầm. Sản lượng nhãn năm nay ước đạt 70.186 tấn.
Hiện giá nhãn tươi chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với những năm trước (ảnh: Nguyễn Phương) |
Huyện Sông Mã đã xây dựng hai phương án tiêu thụ nhãn. Nếu dịch được kiểm soát thì xuất khẩu 70% sản lượng quả nhãn tươi, 30% làm long nhãn. Phương án hai, khi dịch bệnh phức tạp thì thực hiện ngược lại phương án một.
Nhãn Sông Mã chủ yếu xuất đi Trung Quốc và một số tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thanh Hóa,... và một số thị trường như Úc, Mỹ, EU.
Tuy nhiên, năm nay việc tiêu thụ nhãn cũng có những khó khăn, hạn chế. Vì vậy, huyện đã chủ động phương án xây thêm lò sấy để chế biến long nhãn, giảm áp lực trong tiêu thụ quả tươi.
Để gỡ khó trong vấn đề tiêu thụ, huyện vẫn duy trì các doanh nghiệp truyền thống để thu mua xuất khẩu; đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo.
Tuy vậy, chính quyền và người dân trồng nhãn rất mong nhận được sự hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường xá, kho lạnh bảo quản, xưởng sơ chế sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào khảo sát, thu mua; ứng dụng khoa học kĩ thuật cải tạo giống, sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Phương cho hay.
Nhật Thanh
Mỗi ngày cần bán gấp 700 tấn nhãn, nguy cơ bế tắc đầu ra
Các nhà vườn, trang trại, HTX cần tiêu thụ 700 tấn nhãn/ngày, nhưng các doanh nghiệp thu mua, phân phối không thể tiếp cận để mua hàng vì dịch Covid-19.