Liên tục đeo bám cho tới khi người nghe mới thôi, đội quân tiếp thị qua điện thoại không quản ngày giờ, thậm chí cả nửa đêm vẫn làm phiền. Không ít khách hàng phải tắt máy, hoặc thêm một số điện thoại mới để bớt bị quấy rối.
Bán hàng qua điện thoại được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam phương thức bán hàng này đã bị biến tướng, khiến không ít người rơi vào trường hợp mệt mỏi, bực tức.
Làm giám đốc một công ty kinh doanh nhà đất, điện thoại của ông Lê Đăng Khải (TP.HCM) lúc nào cũng “cháy máy” vì các cuộc gọi. Cũng chính vì thế mà các tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị mua nhà đất, tín dụng,… là điều mà ông Khải không thể tránh khỏi.
Ông Khải cho hay, bản thân ông đã từng dùng dịch vụ tiếp thị qua điện thoại để bán hàng, giờ ông cũng chính là nạn nhân. Trung bình mỗi ngày, ít nhất ông Khải cũng phải nhận hơn một chục cuộc gọi mua bán nhà đất. Bất kể lúc nào, từ sáng sớm cho tới tận khuya, ông Khải vẫn phải nghe các số bất đắc dĩ này.
Cực chẳng đã, để bớt làm phiền, ông Khải dùng thêm một số riêng “bí mật” chỉ cho gia đình và người thân biết. Sau đó không lâu, trong khi đang họp ông thấy có số lạ gọi tới số điện thoại của mình.
Ám ảnh vì cuộc gọi rác tấn công dồn dập (Ảnh minh họa) |
Những người biết số điện thoại riêng này của ông chắc chắn chỉ là người nhà hoặc bạn bè. Ông bắt máy nghe, không ngờ lại là người mời ông tham gia mua thẻ thành viên khách sạn. “Đúng là tìm mọi cách vẫn không thoát khỏi đội quân tiếp thị này”, ông Khải bức xúc.
Bạn ông Khải là giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng, bên cạnh số thường dùng còn có 1 số để báo cáo nhanh hàng ngày, liên lạc khẩn cấp với các sếp lớn. Cả chi nhánh còn không biết thế mà ông vẫn bị đội quân tiếp thị mò ra và dội bom cuộc gọi mời chào vì... số đẹp chắc là khách vip.
Chị Nguyễn Thị Hoa, trưởng phòng kinh doanh công ty truyền thông cho biết, cách đây không lâu khi đang trên đường đi làm về chị nhận được cuộc điện thoại khiến chị phải giật mình. Không biết lý do từ đâu, số điện thoại của chị được một trung tâm gia sư biết được.
Một nhân viên của trung tâm gia sư này hỏi chị có phải là phụ huynh của cháu Nguyễn Thị Hoa hay không và muốn tư vấn cho chị về các chương trình dạy kèm cho con chị.
Gần đây nhất, chị Hoa còn bị một nhân viên tư vấn cho vay tài chính làm phiền liên tục. Lần đầu tiên nhận được điện thoại, chị đã lịch sự từ chối vì không có nhu cầu vay tiền. Nhưng những ngày sau đó, nhân viên này đã dùng hai ba số điện thoại khác để gọi cho chị. Thậm chị, ngay cả đang giờ nghỉ trưa, ăn tối cũng bị làm phiền.
Đến lúc chị nổi cáu dọa sẽ gọi lên tổng đài yêu cầu can thiệp, nam nhân viên này mới thôi. Sau đó, lại hai ba nhân viên khác tiếp tục gọi cho chị, cũng cùng một công ty tài chính. Quá bức xúc vì liên tục bị làm phiền qua điện thoại, chị đã từng gửi thư yêu cầu chấm dứt tình trạng “khủng bố”.
Hay như anh Nguyễn Đức Toản (Quang Trung, Hà Đông, HN) kể: cách đây không lâu, anh đăng tin rao vặt bán nhà trên một website công ty bất động sản. Vừa đăng xong tin, anh đã nhận ngay được cuộc gọi tới, tưởng có người mua nhà nhưng hóa ra là nhân viên của website mời anh mua gói rao vặt. Mấy ngày sau đó, nhiều trang web khác cũng liên tiếp gọi mời chào anh đăng tin quảng cáo. Anh còn giật mình khi có nam nhân viên cho biết đang đứng ở dưới nhà anh để chụp ảnh đưa tin rao vặt…
Bán xong căn hộ được hơn một năm nhưng hiện nay thỉnh thoảng anh vẫn nhận được cuộc điện thoại của nhân viên kinh doanh mời rao vặt, cho vay tiền nhanh và dịch vụ công chứng mua bán nhà,…”thiết nghĩ đã có luật chống spam email tại sao không có luật chống những cuộc gọi như thế này, tốn thời gian và quá phiền toái”, anh kiến nghị.
Người dân không có cách nào ngăn chặn triệt để cuộc gọi lạ |
Trăm bó đuốc cũng bắt được 1 con ếch
Theo khảo sát, những ngành “tra tấn điện thoại” nhiều nhất là bất động sản, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, dịch vụ mở thẻ ngân hàng, gia sư, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Nếu như trước đây, nhóm đối tượng này thường dùng các sim 11 số, sim rác để gọi điện thì nay họ đã đổi sang sử dụng nhiều số đẹp để người nhận mất cảnh giác.
Đa số những người từng làm nghề bán hàng qua điện thoại là sinh viên mới ra trường, chưa kiếm được công việc phù hợp và khi thoát ra được công việc này, họ đều nhìn lại với nỗi ám ảnh “phải quấy rầy người khác”.
Hiện nay, một số doanh nghiệp phát triển đội quân bán hàng qua điện thoại khá mạnh. Không chỉ vậy, họ còn thuê đơn vị bên ngoài được ủy để bán hàng để gọi điện. Khi khách hàng đồng ý mua sẽ chuyển sang bộ phận chuyên tư vấn của doanh nghiệp.
Với phương châm “Trăm bó đuốc cũng bắt được một con ếch” chính vì thế mà họ liên tục các cuộc gọi với hy vọng có thể tìm kiếm thêm được khách hàng. Hầu hết công ty bảo hiểm đều thừa nhận tiếp thị qua điện thoại là kênh quan trọng để tiếp cận khách hàng. Các đại lý đều thường thực hiện những cuộc gọi đến khách hàng để tiếp xúc, giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm.
Một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bảo hiểm cho biết, nhân viên vào nghề sẽ được công ty cung cấp một danh sách thông tin khách hàng. Còn lại họ phải tự tìm kiếm theo kênh riêng của mình. Muốn doanh số cao phải gọi điện nhiều nên dù biết rất ảnh hưởng đến người khác nhưng nhân viên vẫn phải miệt mài gọi.
Có thể nói, các cuộc gọi rác đang khiến người dân bức xúc. Họ lo lắng vì sao những công ty này có được danh sách thông tin của mình.
Duy Anh