Không đưa nông sản tươi lên cửa khẩu
Sáng 31/12, bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn thông tin, lượng hàng xuất khẩu qua Lạng Sơn khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu, có thời điểm còn thấp hơn. Trong đó, phần lớn là sản phẩm khô, hoa quả tươi thông quan được rất ít.
Khoảng 2.900 xe đang ùn tắc tại Lạng Sơn, xu hướng giảm dần. Nhưng là do nhiều chủ xe chở quả tươi, sợ hư hỏng nên quay đầu xe về tiêu thụ nội địa, đặc biệt sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 29/12/2021 đến 26/1/2022.
Bà Thu nhận định, thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày dịp Tết Nhâm Dần, gồm 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết.
Tại các cửa khẩu, hầu hết rau quả, trái cây tươi không thể thông quan hoặc thông quan rất nhỏ giọt (ảnh: Kiên Trung) |
Bà Thu kiến nghị, các Bộ, ngành cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, đàm phán để phía Trung Quốc tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn hoạt động, từ 4h, 8h lên 12h mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.
Bà cũng mong các địa phương không đưa nông sản tươi lên cửa khẩu mà kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, đưa vào chế biến sâu, tiêu thụ nội địa.
Ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, cho hay, hiện không tồn đọng xe hàng nào tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe, các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng. Ngày 27-28/12 phía bạn tạm dừng cửa khẩu để khử khuẩn, chống dịch, sau đó các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường.
Theo thống kê của Sở Công Thương Lào Cai, mặt hàng thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất, giá trị lớn nhất trong xuất khẩu qua tỉnh này. Năm 2020 là 600 triệu USD, năm nay do dừng từ ngày 18/7 thì đạt 450 triệu USD.
Từ ngày 5/8, sau khi có xét nghiệm, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) có công hàm dừng nhập khẩu thanh long từ Lào Cai.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), thông tin thêm, ông vừa liên hệ với Hải quan Lào Cai và được biết, chỉ có các mặt hàng nông lâm sản khô thông quan được, các nông sản tươi như rau củ, trái cây đều đã ngừng thông quan từ tháng 8/2021.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng thông báo, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng, khiến hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên.
Hiện nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu trụ trở lại nội địa. Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe, có thể đưa vào kho bảo quản, do đây là hàng khô. Thủy hải sản tồn 139 xe.
Phải làm cửa khẩu xanh, an toàn
Với giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang đạt 1,7 tỷ USD, theo ông Lê Thanh Hòa, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng với Việt Nam. Song, ông nhận định, nông sản xuất sang Trung Quốc sẽ ngày càng khó bởi xu hướng ngày càng siết chặt kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, chưa kể còn duy trì chính sách “Zero Covid”.
Lào Cai đề xuất xây dựng cửa khẩu an toàn, cửa khẩu xanh, vùng đệm an toàn (ảnh: Kiên Trung) |
Từ 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 và quản lý chặt kinh tế biên mậu, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Do đó, DN xuất khẩu cần chú ý tới bao bì, nhãn mác, quy trình sản xuất, đảm bảo khả năng tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.
“Những vấn đề ở biên giới đòi hỏi việc chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần”, ông Hòa nói.
Theo ông, cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu.
Ông Hoàng Chí Hiền kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm đàm phán ký kết hiệp định về kiểm dịch nông, thủy, hải sản, mở rộng danh mục trái cây xuất sang Trung Quốc do phía bạn còn nhiều nhu cầu về nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các cửa khẩu an toàn, cửa khẩu xanh, có vùng đệm an toàn. Bởi theo ông, Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm soát, nhất là dịch Covid, nếu không đảm bảo được an toàn cho hàng hoá, lái xe thì rất khó để duy trì xuất khẩu sang thị trường này.
“Chúng tôi cũng kiến nghị sớm ban hành cơ chế chính sách, hoặc gói hỗ trợ đặc biệt cho ngành chế biến sâu”, ông nói. Năm vừa qua, Lào Cai mời gọi được một nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dứa trên địa bàn tỉnh, nhờ đó dứa của bà con nông dân cung cấp nhiều khi không đủ. Doanh nghiệp chế biến còn phải vào tận Thanh Hoá, Nghệ An tìm nguồn hàng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất 6 tháng họp một lần. Phía bạn rất tạo điều kiện cho việc thông quan nông sản.
Hiện Trung Quốc đồng ý việc kiểm tra, kiểm dịch trực tuyến và hứa ưu tiên kiểm tra sầu riêng, chanh leo. Trung Quốc cũng đã ký Nghị định thư cho phép xuất nhập khẩu chính ngạch thạch đen bằng hình thức trực tuyến. Riêng tỉnh Quảng Tây, Bộ sẽ tổ chức các buổi gặp song phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông sản sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Nam cũng đồng ý với chủ trương của Lào Cai trong việc mở các điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa an toàn trước khi thông quan. Theo ông, đây là một cách làm hay, đề nghị các tỉnh biên giới khác nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.
Tâm An
Trung Quốc thêm quyết định bất lợi, Việt Nam thêm 1 mặt hàng bế tắc
Hải quan Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm dừng giải quyết thủ tục nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.