Một củ sâm Ngọc Linh trồng trên vườn rừng nặng hơn 7 lạng vừa được một người dân bán với giá hơn 400 triệu đồng.

Đây là cây sâm Ngọc Linh, được gia đình ông Hồ Văn Thuật (thôn 3, xã Trà Linh - Quảng Nam) lấy ngoài tự nhiên đưa về vườn rừng trồng hơn 30 năm nay.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã mua được củ sâm này với giá 400 triệu đồng so với giá 430 triệu đồng mà ông Thuật đưa ra.

Ông Thuật cho biết, cây sâm được cha ông lấy từ rừng đem về trồng trong vườn rừng của gia đình. Nếu tính trên mắt sâm, củ sâm có tuổi đời trên 40 năm. Vì gia đình cần tiền xây nhà và thấy sâm được giá nên quyết định nhổ bán. “Để cây sâm này gia đình lo bảo vệ khổ lắm. Chỉ cần sơ sẩy là bị trộm nhổ mất như chơi” - ông Thuật nói.

{keywords}

Hình ảnh của sâm Ngọc Linh “khủng”

Củ sâm hơn 30 năm tuổi có 4 nhánh, chiều dài khoảng 30cm, nặng 7 lạng. Mặc dù trồng trong vườn của gia đình, song theo đánh giá của giới chơi sâm, củ sâm này có giá trị tương đương sâm tự nhiên.

Ngay sau khi mua được củ sâm “khủng”, chị Huỳnh rao bán lại để kiếm lời. Hiện chị đưa ra mức giá là 430 triệu đồng, đã có nhiều đại gia liên lạc để thương thảo mua lại.

Trước đó, vào tháng 6/2016, một người dân đã tìm thấy củ sâm Ngọc Linh nặng gần 1 kg và bán được với giá 200 triệu đồng. Củ sâm đã được một đại gia bất động sản tại Sài Gòn mua lại. Đến nay, vẫn có nhiều người tìm cách sở hữu củ sâm quý và ra giá 1 tỷ đồng, nhưng chủ nhân vẫn không bán. Theo vị đại gia này, củ sâm Ngọc Linh đó chỉ có một không hai và rất khó để tìm mua được.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho hay: "Sâm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh nặng vài lạng còn nhiều, nhưng củ sâm nặng gần một kg rất hiếm. Để đạt được trong lượng này phải mất 30 đến 50 năm chăm sóc và bảo vệ”.

Theo nhiều người trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, cái khó nhất hiện nay là bảo vệ sâm tránh khỏi chuột và thú rừng cũng như nạn trộm cắp.

{keywords}
Cây sâm quý có giá đắt ngang giá vàng

Hiện vẫn còn nhiều vườn sâm trồng bí mật trong rừng sâu, với những cây sâm “cụ”, sâm “Tổ” để lấy hạt giống. Tuy nhiên, những cây sâm Ngọc Linh này dù có trả trăm triệu họ cũng không bán và bảo vệ nghiêm ngặt.

Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi Ngọc Linh dùng để chữa bệnh. Người Xê Đăng gọi cây sâm Ngọc Linh là cây "thuốc dấu" chữa bách bệnh. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng "thuốc dấu" trị vết thương, sốt rét... cho bộ đội.

Loại cây này được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời lội bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý hiếm.

Hiện giá bán sâm loại rẻ nhất khoảng 40 triệu đồng/kg, loại nhiều năm tuổi giá cao gấp nhiều lần.

Vì giá sâm Ngọc Linh đắt tương đương với vàng và là cây có giá trị kinh tế cao nên chính quyền Quảng Nam đang tập trung đầu tư để giúp người dân phát triển, với tổng nguồn vốn theo đề án trồng sâm quốc gia dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Vũ Trung