Trang trại không chỉ phục vụ người dân, du khách đến tham quan, mua cây mà còn xuất cây đi nước ngoài với số lượng lớn.
Trang trại Flower Land của chị Trần Hồng Thảo (sinh năm 1992), nằm ở khu dân cư Ngân Thuận, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, rộng khoảng 750m2, với hơn 50.000 cây của hơn 100 giống xương rồng, sen đá khác nhau. Để có được trang trại của riêng mình, chị Trần Hồng Thảo đã trải qua 7 năm thăng trầm và không ít lần thất bại nặng nề. Vừa chăm những bông hoa xương rồng, chị Hồng Thảo chia sẻ, chị quê ở Thanh Hóa, học hết cấp 3, do yêu mảnh đất miền Tây, chị đã quyết định thi và đậu vào ngành Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Cần Thơ. Chị bắt đầu tìm tòi khởi nghiệp khi còn là sinh viên với việc trồng nấm dược liệu, nhưng thất bại trong kêu gọi đầu tư và số vốn quá lớn.
Rồi tình cờ bén duyên với sen đá, xương rồng khi trồng vài cây làm đẹp khuôn viên căn phòng trong ký túc xá. Thấy cây cũng dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, lại không cần diện tích quá rộng phù hợp với túi tiền của sinh viên. Thế là chị bắt đầu khởi nghiệp từ cây thuộc họ mọng nước này vào cuối năm 2014. Song, do mới tìm tòi thêm, lại chưa am hiểu đặc tính cây, cách để cây sinh sôi, liên tiếp 3 năm 2014, 2015 và 2016, chị Thảo thất bại nặng nề, cây chết hàng loạt, nợ chồng nợ. Không đầu hàng trước thất bại, chị bắt đầu học hỏi kinh nghiệm những người trồng thành công xung quanh Cần Thơ lẫn khu vực ĐBSCL và khôi phục lại nhà vườn của mình.
“Đến năm 2016 làm trang trại đầu tiên, khi có cơ sở vật chất rồi, một phần vì nợ thì có động lực để làm việc. Mất một khoảng thời gian trả nợ, sau đó xây dựng được lượng khách hàng ổn định hơn. Có những thời điểm trong năm 2016, tôi về hàng nhiều hơn bây giờ rất nhiều. Lúc đó có suy nghĩ là bỏ sỉ cho khách miền Tây vì Cần Thơ là trung tâm, vì tư tưởng đó nên làm trang trại hiện tại chứ không hẳn là đủ nguồn lực hết vì lại tiếp tục vay mượn để làm”, chị Trần Hồng Thảo chia sẻ.
Từ trang trại đầu tiên 180m2, bằng sự nỗ lực không ngừng, chị đã xây dựng được trang trại mới rộng 750m2 vào năm 2019. Việc chăm sóc cây đúng quy trình, thu mua nhiều giống đột biến lạ, đẹp, dần dà lượng khách hàng biết đến chị Thảo nhiều và ổn định hơn. Hiện trang trại của chị sở hữu hơn 50.000 cây xương rồng, sen đá. Trong đó, có từ các loại sen giống phổ thông như: Phật bà, đất xanh, cúc, hồng mập, pha lê, bắp cải… Các loại xương rồng phổ biến: Gymno, Mammi, Echi, Lopho, Lobi và một số loại mọng nước khác của Haworthia và Euphorbia.
Am hiểu công nghệ thông tin nên ngoài bán hàng trực tiếp, chị Hồng Thảo còn bán hàng online qua các kênh như sàn thương mại điện tử, fanpage, website. Trung bình mỗi tháng, chị Thảo xuất bán từ 2.000 – 4.000 cây sen đá và xương rồng các loại, với giá từ vài ngàn đến vài chục triệu đồng/cây.
Chị Nguyễn Lệ Trinh, đến từ tỉnh Sóc Trăng, là khách hàng thường xuyên của chị Thảo gần 2 năm qua chia sẻ, chị biết đến trang trại này khi lướt Facebook, khi tìm đến, chị rất thích bởi có quá nhiều loại. Tùy thời tiết, chị sẽ lựa chọn mua xương rồng hay sen đá, khu vườn nhỏ của chị cũng ngót nghét gần 100 cây mua ở trang trại này.
“Khi bước vào đây, tôi rất bất ngờ vì ở Cần Thơ mà có một khu vườn nhiều loại xương rồng, sen đá lớn đến như vậy. Tôi mua một loại cây nào đó, chị chủ ở đây rất là thân thiện, chỉ hướng dẫn cho mình từ cách chăm sóc đến cách lựa chọn cây như thế nào để về nhà tiện chăm sóc, nên mỗi lần đến đây tôi rất yên tâm”, chị Nguyễn Lệ Trinh nói.
Để có lượng khách hàng đa dạng hơn, vào năm 2019, chị Trần Hồng Thảo đã mạnh dạn nâng cấp giống cây. Từ những loại bình dân dành cho khách hàng là sinh viên, người mới tập chơi, chị đã tìm mua giống từ Thái Lan giá cao gấp mấy chục lần dành cho khách hàng có kinh tế, ưa sưu tầm cây độc lạ. Hiện tại, chị Thảo đang sở hữu bộ sưu tập các cây xương rồng Gymno đột biến lên đến hơn 1.000 cây có giá trị từ vài trăm đến vài chục triệu đồng (tùy kích thước, chủng loại, hàng gieo hạt…).
Mặc dù nhiều thăng trầm, nhưng gần 7 năm khởi nghiệp, chị Hồng Thảo vẫn luôn tạo được việc làm cho nhiều cộng tác viên là các bạn sinh viên đang còn học hay mới ra trường. Đồng thời, trang trại của chị còn có 2 – 3 lao động làm thường xuyên, hưởng mức thu nhập hơn 4 triệu/tháng.
Bạn Võ Minh Tiến (sinh năm 1999), trồng cây, xử lý các bệnh của cây và đóng hàng gửi cho khách tại trang trại chia sẻ: “Kiếm được việc ở đây tôi rất vui, mình được học hỏi, được làm với đam mê của mình. Trong lúc dịch, dù rất khó khăn, nhưng chị Thảo vẫn cố gắng duy trì các hoạt động của vườn. Sự đam mê của chị Thảo truyền cho các bạn ở đây rất lớn, vì chị Thảo rất chú ý về cây, rất quan tâm và xem trọng nó”.
Mấy tháng qua, do dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, nhận thấy mua giống từ Thái Lan về tốn kém chi phí, lời không nhiều, chị Hồng Thảo liền tự mày mò tách mầm, nhân giống. Để thành công ở chặng đường này, chị Thảo đã trao đổi, học hỏi cách làm từ những thành viên lành nghề trong Hội xương rồng miền Tây. Từ sự chủ động kịp thời, chị đã phân định rõ từng loại đột biến, nguồn giống của nó là hàng gieo hạt hay bẻ con và nhân giống thành công.
“Những gì đang có sẵn thì tôi cố gắng làm tốt hơn, khó khăn thì khắc phục. Những loại cây mà khách hàng bắt đầu không còn ưa chuộng mấy thì tôi cắt giảm dần, đa dạng nguồn giống hơn để tiếp xúc khách hàng. Có một phần ảnh hưởng của dịch đổi lại thì giá cây tốt hơn, tiếp tục ươm, nhập thêm giống mới để tiếp cận với đa dạng khách hàng; đẩy mạnh kênh online để ship xa hơn”, chị Trần Hồng Thảo cho biết.
Khởi nghiệp với đơn hàng đầu tiên 700.000 đồng, đến nay, chị Trần Hồng Thảo đã có hàng ngàn đơn hàng trong và ngoài nước, với mức doanh thu cao. Dù ngừng toàn bộ việc kinh doanh trong mấy tháng thành phố phòng chống dịch, nhưng vừa mở cửa bán tại trang trại và ship hàng trở lại, chị đã có lượng khách ủng hộ nhiệt tình. Sự đam mê và tình yêu mãnh liệt với “xương rồng, sen đá” đã mang lại thành công cho chị Trần Hồng Thảo. Chắc rằng, chị sẽ là một trong những tấm gương khởi nghiệp đầy nghị lực cho nhiều bạn trẻ học tập.
(Theo VOV)
Bán cả tạ nấm rơm trong... 10 phút, cả nhà 'sống khỏe' mùa dịch
Trong khi nhiều người chật vật vì dịch Covid-19, vợ chồng anh Đào Duy Tùng (sinh năm 1982) và chị Lê Thị Phương Thảo (sinh năm 1988, quê Nam Định) lại "sống khỏe" nhờ trồng nấm rơm công nghệ cao.