Bên cạnh thương hiệu đào Nhật Tân nức tiếng xa gần, dịp Tết Đinh Dậu 2017, thú chơi mai trắng Nhật Tân (chi mai) ngày càng “lên ngôi”... nói như chuyên gia trồng đào Nhật Tân - Đỗ Văn Lan, loài hoa tôn quý này đang tạo lên “cơn sốt”.

Mai trắng mang vẻ đẹp tôn quý

Ông Lan cho biết, loài mai trắng mang vẻ đẹp tôn quý, khuê các vốn được coi như biểu tượng của cốt cách quân tử, đạo đức con người. Từ xa xưa, ở Hà thành, thú chơi chi mai đã kén người chơi, vốn chỉ dành cho những người tỉ mẩn, thường là bậc cao niên, văn nghệ sĩ hay gia đình Hà Nội gốc.

“Được đánh giá đẹp bậc nhất trong “thập đại danh hoa”, nhưng chi mai khan hiếm, khó trồng và kén người chơi. Ở Nhật Tân hiện có không quá 10 người trồng loài hoa quý này. Những tưởng thời gian đã làm mai một thú chơi hoa cầu kỳ, đặc trưng văn hóa truyền thống. Nhưng 5 năm trở lại đây, rất nhiều người tìm đến với chi mai, dù chúng đắt đỏ, khan hiếm không đủ mà bán”, ông Lan chia sẻ.

{keywords}

Hàng trăm gốc chi mai tại vườn nhà ông Đỗ Văn Lan đã có khách đặt trước

{keywords}

Những bông hoa chào Xuân

Dịp Tết năm ngoái, vườn nhà ông Lan cung cấp ra thị trường 1.600 gốc chi mai. Năm nay, nguồn giống khan hiếm, thời tiết khắc nghiệt, ông chỉ “gột” được 300 gốc chi mai đẹp. Thời điểm này, giá bán giao động từ từ 1 triệu đồng đến cả nghìn đô la Mỹ (USD) nhưng hàng trăm gốc mai quý vườn nhà ông Lan đều đã có khách đặt hàng.

Khó tính như... chi mai

Ông Lan bật mí, chi cai là loài cây khó tính, dễ tạo thế hơn đào nhưng cực kỳ khó chăm sóc. Cây đẹp phải hội đủ các yếu tố như: Dáng thế chuẩn chỉ đúng theo những tích cổ, như trực huyền, trực phụ tử…cây có rễ đẹp, cổ kính, sắc hoa trắng muốt thanh tao.

Theo đó, để “gột” được một cây đẹp là quá trình công phu gian nan, cầu kỳ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ tính và kiên định. Mỗi gốc mai trắng từ khi trồng đến khi chơi được ít nhất phải có 4 năm tuổi. Trong đó, 3 năm dưới đất, 1 năm lên chậu.

Là giống cây ưa nước, lại đòi hỏi không được quá ẩm. Quá trình chăm sóc tỉ mỉ với hàng chục công đoạn kỹ thuật. Có những bí quyết sống còn trong việc tạo thế, “hãm” cây ra hoa đúng vụ như: Không để dăm cây quá dài, dài quá cây phá thế, người trồng kinh nghiệm không để cây tốt lá, tốt cành, mỗi khi thời tiết thay đổi đều phải theo dõi sát sao, có kỹ thuật bón phân, ủ gốc chuyên biệt khi cần “hãm” thì “hãm”, lúc phải “thúc” thì “thúc” cho cây bung hoa đúng vụ Tết. Người trồng chi cai không điều khiển được sinh trưởng của cây theo ý muốn thì cầm chắc thất bại.

{keywords}

Người trồng mai cầu kỳ trong việc tạo dáng thế, chăm sóc cây

{keywords}

Với người chơi mai trắng, đôi khi chỉ cần một nhành hoa “cũng làm nên mùa Xuân”

“Nghệ nhân” Đỗ Văn Lan kể, kỹ thuật trồng chi mai ngày xưa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, phải 4 năm có năm nhuận mới già hóa được cây mai cho hoa đúng Tết. Ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, người trồng có thể già hóa, điều chỉnh sinh trưởng của cây theo ý muốn dễ dàng hơn. Dù thế, mức độ quý hiếm, giá trị của loài chi mai vẫn không đổi. Những gốc mai trắng trên chục năm tuổi ở Nhật Tân đều có giá hàng nghìn USD. Mua đứt là vậy, giá thuê chơi Tết cũng phải bằng 2/3 giá trị của cây mới thuê được.

“Chi mai đắt đỏ một phần bởi giống cây khan hiếm, kỹ thuật trồng công phu tốn kém, nhưng hơn hết giá trị bởi mang trên mình vẻ đẹp tao nhã, lúc như quân tử, khi tha thướt mảnh mai như thiếu nữ nao lòng bao “mặc khách tao nhân”. Đại thi hào Nguyễn Du từng ca ngợi vẻ đẹp của chi mai: “Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Tôi kể câu chuyện vui thế này, từng có hai anh em ruột đưa nhau đến mua Mai nhưng rồi họ vặc nhau chỉ vì cả hai đều “mê” chung một cây. Điều đó minh chứng cho sức hấp dẫn của loài hoa thanh khiết”.

Anh Trần Tiến Dũng (chủ nhà vườn Dũng Ngà ở Nhật Tân) cũng trồng chi mai cho biết, lượng khách chuộng mai trắng ngày càng nhiều. Nhiều gia đình ở chung cư đã lựa chọn mai trắng bởi vẻ đẹp cao quý và tốn kém ít diện tích trưng bày. “Mỗi người một sở thích, nhưng quan trọng nhất cây mai trắng phải được cả nước hoa, nước nụ, bộ rễ đẹp”, anh Dũng nói.

“Hoa mai trắng khi chưa nở, nụ mai màu hồng, nở rồi chuyển sang trắng muốt, vài ngày sau lại chuyển sang phớt hồng rồi mới tàn. Hoa nở bền, chăm tốt cây cho nở hai độ hoa. Đợt một thường từ 25 Tết đến rằm tháng Giêng. Sau đó một tuần, cây nở tiếp độ hoa thứ hai. Quý là các vấu ở gốc cũng cho hoa, các cụ xưa ví von “Lão mai sinh quý tử”. Loài này đẹp nhất khi “hàm tiếu”. Là lúc, cây có vài bông bắt đầu nở trắng, vài nụ phớt hồng hé môi, kèm lộc non mơn mởn xanh tươi, trong trẻo, thanh thiết, căng sức sống. Đôi khi chỉ cần một vọt hoa loe hoe vài bông, một nhành hoa cũng bừng sáng sắc Xuân”, “nghệ nhân” Đỗ Văn Lan bộc bạch.

(Theo Dân Việt)