Trao đổi với PV. VietNamNet sáng 15/7, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty Quản lý chợ Hóc Môn), cho biết, hiện tại chợ đầu mối này chưa thể mở lại hoạt động như bình thường.

Đại diện Ban Quản lý chợ giải thích, tuy chợ đã được khử khuẩn tới 4 lần, nhưng do số ca dương tính đang ở mức cao nên chợ vẫn tạm đóng.

“Dự định ngày 15/7 nhưng với việc số ca mắc bệnh cao nên không ai dám mở lại. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi đỉnh dịch thời gian tới ra sao. Việc quyết định mở lại chợ do các cấp lãnh đạo thành phố quyết định”, ông Dũng thông tin.

Trước đó, theo đề xuất của Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức (chợ Thủ Đức) về việc tổ chức hoạt động trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ và sự thống nhất của Sở Công Thương TP.HCM.

{keywords}
Người dân đổ xô đi siêu thị trong ngày 14/7

Chính quyền TP. Thủ Đức đã chấp thuận việc điều tiết, phân luồng để thực hiện đầu mối trung chuyển hàng hóa tại chợ Thủ Đức nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Điểm tiếp nhận trung chuyển hàng hóa được tổ chức trong khuôn viên chợ Thủ Đức (tổng diện tích 16.500m2) với các quy định kiểm dịch y tế ngặt nghèo, việc trung chuyển được thực hiện từ 16h ngày 11/7.

Bàn về phương án trên, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng vẫn chưa khả thi ở thời điểm này do các khu vực bị phong tỏa ở huyện Hóc Môn khá nhiều, các phương án áp dụng mô hình trung chuyển tương tự tại chợ Hóc Môn đang được cân nhắc. "Sẽ tùy tình hình tại từng địa bàn cụ thể để có phương án phù hợp với công tác phòng, chống dịch", ông nói.

Thời gian qua, nhiều tiểu thương đã có thuê mặt bằng bên ngoài chợ, dọc tuyến quốc lộ 22 để tiếp tục hoạt động giao thương hàng hóa. 

“Ước tính, trong ngày 14/7, lượng rau, củ, quả tiêu thụ quanh khu vực chợ khoảng 100 tấn. Ngoài ra, từ 300-400 con heo xuất đi từ các lò mổ với trọng lượng trung bình 75 kg/con”, ông Dũng cho hay.

Hiện người dân tại TP.HCM đã chuyển dần từ xu hướng đi chợ truyền thống sang các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đại diện Sở Công Thương TP cho biết, giá cả tại các kênh mua sắm hiện đại khá ổn định, không có hiện tượng nâng giá. Sở có kế hoạch cung ứng, không để thiếu hàng trên bình diện chung của TP.HCM.

Nhiều chuỗi cung ứng cũng khẳng định không tăng giá hàng hóa nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân, đồng thời bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch. 

THeo đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM, về nguồn hàng, hiện nay lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã nhập về cho gần 300 siêu thị trong hệ thống như: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TP.HCM tăng hơn 30% so với những ngày trước. Cộng với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá... sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định từ 3-6 tháng tới. 

Các hệ thống khác như Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Satra Foods cũng cho biết không để thiếu hụt nguồn hàng phục vụ người dân. 

Quảng Định

Đóng hai chợ đầu mối, TP.HCM gửi văn bản tới 22 tỉnh, thành

Đóng hai chợ đầu mối, TP.HCM gửi văn bản tới 22 tỉnh, thành

Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi tới nhiều địa phương về việc ngừng vận chuyển hàng hóa vào 2 chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền.