Cuộc gọi lúc 6h30' sáng
6h30' sáng ngày 13/7, Tổng Giám đốc Mekong Capital Nguyễn Thị Minh Giang nhận được cuộc gọi từ Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, với thông điệp phải giải cứu gấp thị trường.
“Sở Công Thương TP cần các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ trong việc thiết lập kênh phân phối rau, củ, quả mới cho người tiêu dùng, giảm tải cho siêu thị đang bị ùn tắc. Đề bài này cần có lời giải trong vòng 4 ngày”, ông Vũ trao đổi qua điện thoại.
10h sáng, các doanh nghiệp họp online lần đầu tiên với lãnh đạo Sở Công Thương TP. Đây là khởi nguồn cho một chiến dịch nhằm hỗ trợ hoạt động phân phối rau, củ, quả đang quá tải ở kênh siêu thị. Mức giá trần bán ra được yêu cầu không cao hơn so với giá Co.opmart đang giữ bình ổn.
Rau, củ, quả được bán tại một cửa hàng mỹ phẩm |
Người dân có thêm kênh mua sắm, giảm áp lực cho hệ thống siêu thị |
Các CEO của 18 doanh nghiệp ủng hộ và cùng tham gia chiến dịch giải cứu từ kế hoạch của Sở. Trong tuần đầu tiên, mô hình điều phối với khối lượng công việc lớn phải thực hiện nhanh chóng bởi lúc này sức nóng từ khan hiếm trên thị trường đã đẩy giá các mặt hàng lên cao tới mức “Rau xanh tăng dựng đứng, giá trứng tăng gấp đôi” mà VietNamNet phản ánh tại thời điểm đó.
Khó ở chỗ, doanh nghiệp đều lần đầu tiên bán rau, củ, quả và phải xây dựng hệ thống mới hoàn toàn từ khâu mua hàng, vận chuyển hàng, lưu trữ và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các đơn vị chuyên đi mua tã, bỉm, sữa, thuốc thì giờ là “tay mơ” trên thị trường rau xanh.
Theo bà Minh Giang, thời gian đầu, các đội ngũ thường làm việc tới 2-3h sáng. Thông tin trao đổi liên tục qua các nhóm chat viber online. Để thiết lập một chuỗi cung ứng mới cần khoảng 3-4 tuần, nhưng có những đơn vị chỉ 3 ngày đã xong toàn bộ quy trình mới.
Sở Công Thương TP đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị chức năng có liên quan như cấp QR Code, phân bổ xe luồng xanh để thuận tiện vận chuyển hàng hóa hoặc trao đổi thông tin tới địa phương nhằm chấp thuận cho cửa hàng được phân phối rau, củ, quả.
“Mắc tới đâu gỡ tới đó. Cứ nhào vô làm đi rồi gỡ dần”, vị Giám đốc Sở nói với các thành viên tham gia chiến dịch.
Các sàn TMĐT chung tay đưa thực phẩm lên kệ online |
Bớt nỗi lo cho người nội trợ
Bà Phạm Thị Thanh (quận Bình Thạnh) đến giờ vẫn giữ thói quen mới lạ: tới hiệu thuốc gần nhà mua rau từ khoảng một tháng nay. Nỗi lo về thực phẩm của bà nội trợ này giảm hẳn khi chiến dịch của Sở Công Thương TP được kích hoạt.
Không chỉ bà Thanh, 4 ngày sau cuộc họp online đầu tiên, ngày 17/7, người dân TP.HCM lạ lẫm khi thấy các hệ thống như Nhất Tín Logistics, Guardian, Con Cưng, Pharmacity, Vinshop,... bày bán rau, củ, quả trực tiếp tại cửa hàng rải khắp TP. Rồi các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki, Lazada, Shopee cũng lên kệ các mặt hàng này trên kênh online.
Bà Minh Giang - người nắm vai trò điều phối, nhớ lại, chỉ khoảng một tuần sau khi phát động chiến dịch, giá cả đã hạ nhiệt. Các kênh phân phối vào cuộc khiến người dân có nhiều lựa chọn mua sắm và cảm thấy an tâm. Trong vòng một tháng, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 tấn rau, củ, quả được tiêu thụ. Hơn 1.000 điểm bán/ngày được tổ chức lúc cao điểm.
Ghi nhận thực tế của PV. VietNamNet vào ngày 20/7, sau 10 ngày ách tắc, rau, thịt về nhiều, giá đã hạ nhiệt, giá cả các mặt hàng giảm từ 10-30% tùy chủng loại. Đặc biệt, siêu thị không còn tình trạng “trống kệ” và cảnh người dân xếp hàng dài chờ đợi.
Chiến dịch giải cứu thành công bởi sự góp sức của nhiều đơn vị |
Theo đơn vị điều phối, chiến dịch sẽ không thể thành công nếu như Sở Công Thương "đơn thương độc mã" hoặc doanh nghiệp tự thực hiện. Phải có ba bên: nhà cung cấp hỗ trợ sản phẩm; doanh nghiệp sẵn lòng khi tự ứng tiền ra mua hàng và có thể chịu lỗ; Sở giải quyết vướng mắc trong chuỗi cung ứng, phân phối.
Thực tế, mỗi doanh nghiệp có một điểm mạnh riêng, lượng khách hàng riêng phù hợp. Bỏ qua yếu tố "đối thủ cạnh tranh", đại diện Tiki cho rằng, trước tình hình dịch bệnh hoành hành, việc ưu tiên là đáp ứng nhanh chóng và kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân TP nói riêng và cả nước nói chung. Để làm được điều này đòi hỏi sự góp sức của nhiều sàn TMĐT.
Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP Dược phẩm Pharmacity - ông Chris Blank - cho hay, để triển khai chiến dịch, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị khác nhau, có những đơn vị trước đây chưa từng là đối tác của doanh nghiệp. Điều ấn tượng là sự phối hợp, chung tay để góp phần hỗ trợ cung cấp nhanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, thành công lớn nhất của chiến dịch là sự tham gia nhiệt thành và có trách nhiệm của các doanh nghiệp với TP. Các đơn vị đã tạo ra một kênh phân phối bổ trợ, giúp số lượng điểm bán mở rộng, giá cả thị trường ổn định, phục vụ cho bà con nhân dân.
“Một chiến dịch không thể tin được. Các doanh nghiệp chưa trao đổi trực tiếp mà chỉ làm việc online hoặc qua điện thoại. Đến khi TP 'khỏe lại', nhất định các đơn vị tham gia sẽ hội tụ”, bà Minh Giang nói.
Quảng Định
Mở lại chợ, đừng trở thành ổ F0 thêm lần nữa
Một số chợ truyền thống từng có ca F0 là tiểu thương hoặc người đến mua hàng đã phải đóng cửa một thời gian để tiến hành khử khuẩn và xét nghiệm. Khi mở lại, các chợ này đang tìm giải pháp để thích nghi với giao thương mùa dịch.