Liên quan đến đường dây khai thác 2,5 triệu tấn than lậu, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng trong đó có những nhân vật rất nổi tiếng là Châu Thị Mỹ Linh, trú ở quận 12, TP Hồ Chí Minh, là Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước và anh em là Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang tại Quảng Ninh.
Bước đầu, CSĐT xác định bị can Châu Thị Mỹ Linh đã cấu kết với hai anh em đại gia lan đột biến Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh để khai thác than lậu, mua bán hoá đơn nhằm hợp thức hoá.
Chân dung “bà trùm” khai thác than lậu
Việc "bà trùm" Châu Thị Mỹ Linh bị khởi tố, bắt giam khiến cho nhiều người không khỏi bàng hoàng, đặc biệt là trong giới đầu tư, kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Châu Thị Mỹ Linh không chỉ điều hành Công ty cổ phần Yên Phước mà còn được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Phúc Yên (thuộc Tập đoàn Phúc Yên Prosper, địa chỉ tại quận 7, TP Hồ Chí Minh. Công ty này khá nổi tiếng với nhiều dự án chung cư, biệt thự, nhà phố… điển hình như dự án căn hộ Prosper Plaza, đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Theo hồ sơ điều tra, tháng 9/2012, Công ty cổ phần Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận lần đầu, đến tháng 12/2013 thì thay đổi lần 1 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó thành viên góp vốn gồm: Châu Thị Mỹ Linh góp 39 tỷ đồng chiếm 39%; Ngụy Phúc Yên (chồng của Linh) góp 60 tỷ đồng chiếm 60% và Ngụy Thị Xuyến (em ông Yên) góp 1 tỷ đồng chiếm 1%. Thực tế, bà Linh và các thành viên chỉ đăng ký, không thực hiện việc góp vốn. Nguồn vốn hoạt động của công ty do bà Linh tự bỏ ra, phát sinh chi phí đến đâu thì bà Linh tự chi đến đó.
Công ty cổ phần Yên Phước do bà Linh làm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, điều hành chung mọi hoạt động kinh doanh; Ngụy Quang Thuyên (em chồng của bà Linh) trực tiếp điều hành mọi công việc tại mỏ than. Ngoài ra còn một số nhân viên, gồm: Bùi Minh Hợp (Giám đốc điều hành khai thác mỏ, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và an toàn khai thác mỏ); Đỗ Thị Luyến và Doãn Thị Định là nhân viên kế toán; Đặng Văn Hoàng là nhân viên kiểm tra chất lượng kiêm nhân viên cân hàng, thực hiện các công việc theo chỉ đạo của bà Linh.
Đại gia Bùi Hữu Giang. |
Năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn cho Công ty cổ phần Yên Phước. Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2018 Công ty Yên Phước mới bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên.
Năm 2019, Châu Thị Mỹ Linh và Hà Anh Tuấn (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương - công ty này do anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang cổ phần chính với 70% cổ phần), ký hợp đồng để cho Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến; giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng; khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm; hiệu lực hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày ký kết. Công ty Yên Phước bán tất cả các sản phẩm than và đá đen kẹp than sau khai thác cho Công ty Đông Bắc Hải Dương, không được bán cho bất cứ đơn vị thương mại nào khác, giá bán cụ thể xác định theo từng loại than và thay đổi theo thị trường.
Thực tế, khi thực hiện 2 hợp đồng trên là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang thực hiện việc khai thác, chế biến, tiêu thụ than và trả tiền cho Châu Thị Mỹ Linh. Ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).
Theo đó, từ 18/5/2019 đến 31/12/2020, Công ty Yên Phước đã xuất bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương gần 1 triệu tấn than, thu số tiền hơn 106 tỉ đồng; hơn 240.000 bã sàng thu hơn 14 tỉ đồng và 13.662 m3 đá đen trị giá 683 triệu đồng, tổng cộng số tiền thu về hơn 121 tỉ đồng.
Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thanh toán hơn 106 tỉ đồng, trong đó chuyển khoản vào 2 tài khoản cá nhân của bà Linh hơn 90 tỉ đồng; số tiền còn lại được cấn trừ các khoản đặt cọc và các khoản công nợ khác. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác. Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỉ đồng.
Cụ thể, Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hàng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép. Hàng triệu tấn than khai thác vượt giấy phép được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường. Cơ quan điều tra xác định, hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản, không đúng với nội dung giấy phép của các bị can, gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỉ đồng.
Cơ quan Công an kiểm tra mỏ than lậu. |
Nghi vấn rửa tiền khai thác than lậu bằng lan đột biến
Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2017 với vốn điều lệ 5 tỉ đồng, đến nay doanh nghiệp này đã 6 lần thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh. Mặc dù đại diện là Hà Anh Tuấn với chức danh Giám đốc, nhưng vốn chủ yếu là của anh em Thanh và Giang với số vốn hơn 100 tỷ đồng.
Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương mà cử Bùi Mạnh Cường, lái xe của Vũ Thị Hiếu (vợ Bùi Hữu Thanh) tham gia các hoạt động của công ty, đồng thời cắt cử nhiều người thân tín tham gia vào các hoạt động của công ty.
Để hợp thức hóa số than khai thác trái phép, các đối tượng trong đường dây, trong đó các pháp nhân Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, đã sử dụng các hợp đồng khống, biên bản nghiệm thu xác nhận khối lượng khai phá, bốc dỡ, số lượng than nguyên khai (chưa qua tuyển lựa, chế biến) khai thác được với số lượng thấp hơn nhiều so với thực tế, dao động từ 900 - 1.400 tấn/tháng để phù hợp với công suất khai thác theo hợp đồng ký khống nêu trên và công suất được cấp phép. Trên thực tế, Công ty CP Yên Phước chỉ nộp tiền cấp quyền khai khác khoáng sản các loại với tổng số 2,8 tỉ đồng.
Đáng chú ý, từ giữa năm 2020 đến nay, anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang được biết đến là những "nghệ nhân" đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh với “vườn lan đất mỏ” và cơ ngơi cực "khủng" hay những siêu xe đắt tiền. Khác với các đại gia lan đột biến khác trên cả nước, anh em Thanh và Giang có những giao dịch về lan đột biến được dư luận cả nước chú ý, không chỉ về giá trị lên đến hàng trăm tỷ mà có cả tiền mặt được trưng ra.
Chính vì vậy, cùng với việc điều tra hành vi khai thác, mua bán trái phép than, Cục Cảnh sát kinh tế còn điều tra hành vi rửa tiền, trốn thuế và các hành vi vi phạm pháp luật khác của các đối tượng.
(Theo Công An Nhân Dân)
Đột quỵ vì lan đột biến
Khi lan đột biến hết sốt cũng chính là lúc các tay chơi nhận ra mình "sụp hố, đột quỵ" trong thú chơi xa xỉ không nên thử này.