Mười Tường - 'bà trùm’ vàng lậu dưới vỏ bọc doanh nhân
Công an tỉnh An Giang vừa bắt "bà trùm" buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 52 tuổi, ngụ ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng 7 đối tượng để điều tra về vụ việc vận chuyển 51kg vàng nguyên chất từ biên giới Campuchia vào khu vực thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc.
Mười Tường từng thao túng hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam. Năm 2005, bà này từng bị Công an TP.HCM bắt khẩn cấp do có liên quan đường dây vận chuyển và tập kết số lượng lớn điện thoại di động nhập lậu từ Campuchia. Sau đó, Mười Tường bị toà án tuyên phạt 6 năm tù về tội buôn lậu.
Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) nghe đọc lệnh bắt giam |
Khi mãn hạn tù và trở về địa phương, Mười Tường vẫn không chịu hoàn lương mà tiếp tục "hành nghề". Đến năm 2016, "đàn em" của Mười Tường đã nhiều lần bị bắt do tổ chức vận chuyển số lượng lớn đường cát qua biên giới với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Theo cơ quan chức năng, Mười Tường đã núp bóng với vỏ bọc bề ngoài là chủ những công ty, doanh nghiệp và được ngụy trang rất tinh vi. "Bà trùm" này có mối quan hệ rất rộng và chằng chịt nên gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Khoảng 6 năm trở lại đây, Mười Tường hay tham gia làm từ thiện ở địa phương. Nhưng theo đánh giá của dư luận, mục đích việc này để có “mác” Mạnh Thường Quân nhằm đánh bóng tên tuổi và để không bị cơ quan chức năng chú ý. Đằng sau đó là có những hoạt động tinh vi để thực hiện hành vi buôn lậu.
51kg vàng 9999 - tang vật của vụ án |
Thiếu tá công an từ Campuchia sang Việt Nam buôn lậu vàng
Theo cơ quan điều tra, chiều 25/11/2016, Rim Ri Linh (thiếu tá công an, Phó Đồn trưởng Công an Cửa khẩu Phnom Den, Campuchia (giáp cửa khẩu Tịnh Biên), một mình lái ô tô chạy từ Campuchia đến cửa khẩu Tịnh Biên, xin qua Việt Nam thăm người thân. Sau đó, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện Linh chở theo 18kg vàng 24K (tương đương 478 cây vàng).
Linh khai trước đó đã vận chuyển trót lọt 2 chuyến vàng từ Campuchia vào Việt Nam qua đường cửa khẩu Tịnh Biên, với tổng số khoảng 27kg. Như vậy, chỉ thời gian ngắn, Linh đã tuồn vào Việt Nam 3 chuyến với khoảng 1.200 cây vàng.
Rim Ri Linh đã bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 6 năm tù về tội vận chuyển trái phép 18kg vàng vào Việt Nam.
Linh trong sắc phục công an Campuchia ký vào biên bản kiểm tra. (Ảnh: Lao Động) |
Tiếp viên hàng không: Cao thủ buôn lậu vàng
Trong các vụ buôn lậu vàng qua đường hàng không bị phát hiện trong thời gian gần đây, rất nhiều vụ có sự dính dáng của những nhân viên hàng không, đặc biệt là tiếp viên hàng không và tổ lái. Dựa vào lợi thế nghề nghiệp hoặc sự hiểu biết trong ngành hàng không, họ đã lợi dụng triệt để vào việc thực hiện hành vi buôn lậu vàng, hòng kiếm lời.
Vào những thời điểm giá vàng trong nước có sự chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, chỉ một chuyến bay trong vài giờ đồng hồ nếu họ mang theo vài kg vàng thì có thể thu được cả trăm triệu đồng tiền lãi. Do sức hút từ vàng mà rất nhiều phi công và tiếp viên hàng không đã tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vận chuyển, buôn lậu vàng.
Điển hình là vụ việc ngày 26/7/2016, lực lượng chức năng phát hiện tiếp viên hàng không Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982), Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986, chồng Ngọc Anh), được sự hỗ trợ, tiếp tay của Phạm Duy Nhuận (SN 1980), công nhân kỹ thuật sửa chữa máy bay Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay đã xuất lậu hơn 3kg vàng (tương đương hơn 80 cây vàng), trị giá hơn 2,8 tỷ đồng.
4kg vàng tang vật thu được trong giày của nhân viên phi hành đoàn |
Trước đó, vào ngày 10/3/2015, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị phát hiện mang lậu 6kg vàng vào Hàn Quốc sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc) bằng cách giấu dưới đế giày.
Vào năm 2002, dư luận trong nước rúng động trước vụ vận chuyển hàng lậu bị phát hiện sáng 16/5/2002, trên chuyến bay từ Dubai về Hà Nội. Khoảng 7kg vàng cùng gần 400 điện thoại di động được giấu trong túi đựng đồ ăn thừa. 9 tiếp viên hàng không đã bị đình chỉ sau khi vụ việc phát hiện.
Buôn lậu vàng - siêu lợi nhuận
Gần đây, tình trạng buôn lậu vàng ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, ở cả đường bộ và đường hàng không... Bất chấp sự mạo hiểm và vi phạm pháp luật, sức hấp dẫn của vàng lậu đã làm mờ mắt những kẻ gian.
Bởi, buôn lậu vàng được coi là siêu lợi nhuận. Các đối tượng xuất lậu vàng nguyên liệu có thể kiếm lời từ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Khi giá vàng ở nước ngoài thấp hơn giá vàng ở Việt Nam thì xuất hiện tình trạng vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Ngược lại, khi giá nước ngoài cao hơn giá trong nước thì lại xảy ra việc vận chuyển trái phép vàng từ trong nước ra nước ngoài.
Các đối tượng buôn lậu vàng bởi vàng là mặt hàng kim loại quý dễ vận chuyển, có tính thanh khoản cao, mang lại lợi nhuận lớn. Chính vì sức hấp dẫn siêu lợi nhuận từ buôn lậu vàng đã khiến nhiều đối tượng "dắt dây" người nhà, người thân vào con đường lao lý.
Theo tiết lộ của các chiến sĩ công an, lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy qua biên giới. Mang 1 kg vàng vào nội địa có thể kiếm lời gấp gần 10 lần buôn ma túy. Mà buôn vàng thì dễ hơn, và nếu bị bắt thì chịu án thấp hơn nhiều.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Hành trình triệt phá đường dây vận chuyển trái phép 5kg vàng từ Campuchia về Việt Nam
Theo đánh giá của ban chuyên án, trong những năm qua, hoạt động vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới An Giang chưa bao giờ hết phức tạp.