- Cam tiến vua, hay còn gọi là cam Xã Đoài, luôn “cháy” hàng mỗi dịp Tết đến. Có giá 50.000-60.000 đồng/quả, thậm chí có lúc lên 80.000 đồng/quả, người trồng cam vẫn không có mà bán.

Những ngày gần Tết, nhiều thương lái, đại gia tìm về vùng đất Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để tìm mua đặc sản cam tiến vua.

Cam tiến vua nổi tiếng từ xưa và chỉ trồng được trên mảnh đất Xã Đoài mới cho ra những quả cam đúng thương hiệu.

Cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ cam mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu. Ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt, thanh mà không chua, khó thấy ở giống cam khác.

Ngoài sử dụng để ăn, làm nước uống thì cam còn được dùng ngâm rượu uống rất thơm, ngon. Rượu cam Xã Đoài cũng là sản phẩm nổi tiếng được sử dụng vào mỗi dịp Tết.

Giống cam này thường ra hoa vào tiết lập xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm. 

{keywords}

Những cây cam Xã Đoài đã đặt cọc tiền từ trước.

Ông Phan Công Hưởng (63 tuổi, trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) cho biết, gia đình ông có 6 sào đất vườn, với 200 gốc cam. Cứ sát Tết, nhiều người lại đến đặt hết cả cây. Những ai đến đặt muộn, hết cam, đành phải chờ đến mùa sau.

“Những năm trước, gần đến Tết thì khách từ Hà Nội, TP. Vinh, khách nước ngoài cũng đến vườn để mua cam, đặt cọc tiền để mua cam về làm quà Tết, thờ cúng tổ tiên", ông Hưởng nói.

Thu nhập từ 200 gốc cam của ông Hưởng mỗi vụ trên 200 triệu đồng, gấp 8-9 lần so với các loại cây trồng khác.

Ông Phạm Khắc Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc - nói rằng, giống cam đặc biệt Xã Đoài thơm ngon, ngọt, được coi là cây ăn quả đặc sản, từ thời xưa được sử dụng để tiến vua ở xứ Nghệ lưu truyền đã hơn 150 năm.

Tuy cho thu nhập cao, nhưng giống cam này có đặc điểm “khó tính” với đất. Nếu đưa giống cam Xã Đoài đi trồng vùng đất khác thì sẽ không cho được sản phẩm như được trồng nên mảnh đất xã Nghi Diên.

{keywords}

Cam Xã Đoài vỏ cam mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu.

Bên cạnh đó, hiện diện tích cam thu hẹp dần vì thiếu đất trồng và thoái hóa giống.

Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND xã có chủ trương chuyển đổi 100 hecta đất 2 lúa sang trồng cam để quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài.

Cam Xã Đoài bị giả thương hiệu

Vài năm gần đây, các cửa hàng kinh doanh, thương lái lợi dụng sự nổi tiếng của cam tiến vua đã quảng cáo, đóng biển hiệu "cam Xã Đoài".

Cam Xã Đoài “giả” bán với giá chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. Tại các trang trại và nhà vườn ở nhiều địa phương khác cũng vậy, họ tự giới thiệu cam Xã Đoài lòng vàng, lòng đỏ,...

Tuy nhiên, có trang trại lừa người tiêu dùng, đóng hộp với nhãn hiệu cam Xã Đoài. Trên thực tế, cam Xã Đoài gốc chỉ 2 loại là cam Xã Đoài hình quả lót và hình quả bầu. 

{keywords}

Gia đình ông Hưởng có 200 gốc cam cho thu nhập hơn 200 triệu.

Một số nhà vườn mua giống cam Xã Đoài về trồng, cây vẫn phát triển tốt, quả nhiều và đều, năng suất cao, nhưng chất lượng và độ thơm ngon không thể cam như trồng trên đất Xã Đoài.

Ông Hưởng tiết lộ cách phân biệt cam Xã Đoài với các loại cam khác: quả cam Xã Đoài không quá to, trọng lượng chỉ 4-5 quả/kg, màu vỏ vàng óng. Các nhà khoa học đã phân tích trên vỏ cam có nhiều túi tinh dầu nên khi bóc vỏ có mùi thơm đặc trưng.

Người bóc quả cam Xã Đoài sau khi bóc có rửa tay, mùi tinh dầu vẫn còn vương lại. Khi bổ ra, cam có màu mật ong rừng, ăn có vị ngọt mát, tan nhanh trong miệng, ăn xong vị ngọt còn lưu lại trong cổ họng.

Người dân trồng cam nơi đây mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp để trả lại tên cho quả cam đặc sản này, đồng thời để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Khắc Chiến, Phó chủ tịch xã Nghi Diên, nói thêm, cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng các hộ trồng cam không dám đầu tư lớn do chưa có chính sách khuyến khích phát triển.

Văn Bình