“Chúng ta đã đồng hành và cùng thắng lợi trong 20 năm, đến bây giờ bà con chăn nuôi khó khăn thì cần phải chia sẻ. Đây là văn hoá, là trách nhiệm của các doanh nghiệp để cùng phát triển và tồn tại”, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT nhấn mạnh
Cần chia sẻ khó khăn với người nuôi lợn
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi tìm biện pháp giải cứu giá thịt lợn sáng 24/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguồn cung lớn hơn nhiều so với nhu cầu là nguyên nhân khiến giá lợn trong 4-5 tháng qua liên tục sụt giảm.
Theo Bộ trưởng, trong suốt 20 năm qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam có sự phát triển thần tốc. Đơn cử, sữa tăng trưởng gấp 15 lần, hiện đã đạt sản lượng 800 ngàn tấn/năm; thịt tăng trên 3 lần, từ 1,8 triệu tấn đến giờ đã tăng lên 5,4 triệu tấn/năm; thủy sản nuôi trồng cũng tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn tăng lên 3,6 triệu tấn/năm,...
Giá thịt lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi lao đao |
Mức tăng này đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chưa kể, 20 năm qua, mâm cơm của người dân từ thịt lợn là chủ yếu nay còn có trứng, sữa, cá, thịt gà, thịt bò,... Thế nên, áp lực càng đè nặng khi nguồn cung thịt lợn ngày càng lớn. Ngoài ra, nguồn cung lợn cực lớn nhưng các khâu còn lại như tổ chức sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường của chúng ta yếu kém dẫn đến tình trạng dư thừa và bế tắc đầu ra.
Từ những điểm yếu trên, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đề ra nhóm giải pháp để phát triển đàn lợn. Cụ thể như tái cơ cấu ngành chăn nuôi, rà soát giảm quy mô đến mức phù hợp nhất. Đặc biệt là đàn lợn nái phải giảm từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con.
Đồng thời, tập trung tổ chức lại ngành hàng, mở rộng hình thức chăn nuôi tập trung, nông hộ quy hoạch lại, không để 3 triệu nông hộ như này được mà phải tổ chức thành tổ đội, HTX để liên kết với doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, một số bộ phận nông hộ có điều kiện phát triển con khác thay thế thì thay thế chứ không nhất thiết phải nuôi con lợn.
Song, trước mắt, Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng chia sẻ với bà con chăn nuôi bằng cách giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y. Bởi trong lúc này cần phải chia sẻ với người chăn nuôi, đồng thời cũng chính là cách để doanh nghiệp nuôi dưỡng thị trường của mình.
“Chúng ta đã đồng hành và cùng thắng lợi trong 20 năm, đến bây giờ bà con chăn nuôi khó khăn thì cần phải chia sẻ. Đây là văn hoá, là trách nhiệm của các doanh nghiệp để cùng phát triển và tồn tại”, Bộ trưởng Cường nói và đề nghị những doanh nghiệp lớn nếu có lợn đến lứa xuất bán thịt thì tạm thời hoãn lại để nhường thị phần trên thị trường cho bà con chăn nuôi.
Còn các các doanh nghiệp chế biến sâu, ông kêu gọi hãy mua thêm thịt lợn bên ngoài để về chế biến, chỗ nào dự trữ cấp đông được thì làm ngày để chia sẻ bớt khó khăn bà con.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ một loạt các giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn. Cụ thể, trước mắt kiến nghị các ngân hàng có chính sách phù hợp khoanh nợ, giãn nợ. Đồng thời, kiến nghị xem xét chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt và phụ tạng để tạo ra dư địa thị trường.
Thị lợn giảm xuống mức giá kỷ lục |
Nguồn cung gây sức ép giá
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cũng thừa nhận, giá thịt lợn đang giảm mạnh, ở Đồng Nai, giá chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Anh Dũng cũng cho hay đang thu mua thịt lợn hơi của dân với giá 23.000 đồng/kg. Đây là mức giá thu mua cao hơn hẳn trên thị trường hiện nay.
Về việc mua thịt lợn cấp đông, ông Dũng cho rằng việc này cũng đang gặp khó khăn do người tiêu dùng Việt chưa có thói quen ăn thịt bảo quản lạnh, vẫn thích ăn thịt tươi.Ngoài ra, đưa thịt vào cấp đông rất khó cạnh tranh với các sạp thịt ngoài chợ do nhà máy chế biến phải chịu thuế ít nhất 10%, còn bà con không phải chịu thuế. Vì thế, giá thịt cấp đông sẽ cao hơn giá thịt tươi. Ông Dũng cho rằng, Nhà nước cần xem xét tới khía cạnh này và cần có giải pháp.
Ngoài việc trữ đông thịt, đưa thịt lợn vào chế biến sâu hay như giảm giá thức ăn để hỗ trợ người chăn nuôi, giảm đàn lợn nái,... ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho hay, Bộ NN-PTNT nên có khuyến cáo rõ ràng cho bà con chăn nuôi biết để định hướng đàn lợn của mình.
Theo ông, lợn ngày nào cũng ăn cám, cứ mỗi ngày nguồn cung ra thị trường lại tăng thêm 1%. Trong khi, nhiều hộ chăn nuôi lợn hiện nay còn đang hi vọng có thể xuất lợn đi các nước nên cố gắng vay mượn tài chính từ các nguồn để trụ đỡ. Theo đó, trọng lượng lợn càng ngày càng to, lợn 1,5 tạ giờ cũng có mà lợn càng to giá càng giảm.
Bảo Hân