Những năm gần đây, cây mai đang dần được khách hàng Nghệ An ưa chuộng, mua chưng Tết. Tuy nhiên, do cây mai từ phương Nam ra nên khó thích nghi được với khí hậu miền Bắc với những cơn gió mùa lạnh tê tái. Bởi vậy, để cây mai tiếp tục nở hoa đẹp vào những Tết tiếp theo là điều không đơn giản.
Anh Trần Sáng (quê Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) là một trong những người có thể xem là đầu tiên đưa loài mai xanh xứ Huế ra Nghệ An. "Thừa Thiên Huế và Nghệ An cùng chung kiểu khí hậu gió Lào khô nóng vào mùa hè và rét vào mùa Đông nên cây mai thích nghi tốt hơn khi về đất mới. Hơn nữa, mai Huế là loài mai xanh, thân cao, tán rộng, thích hợp với trồng làm cảnh trước cổng nhà, đặc biệt là hoa rất thơm, nên khá được khách hàng ưa chuộng", anh Trần Sáng cho biết.
Tuy nhiên cây mai xứ Huế mà anh Sáng nhắc tới không phải là mai trồng theo dạng hàng hóa, bởi vậy, để mua được nó lại là một câu chuyện khác.
Theo anh Sáng, người Huế có thói quen trồng một vài gốc mai trước cổng nhà. Bởi vậy, cây mai có khi gắn với một đời người, gắn với tuổi thơ kỷ niệm và một khoảng ký ức của không ít người. Vào dịp Tết, cây mai cao 4-5m, nở vàng rực với hương thơm đặc trưng trở thành niềm tự hào và nét riêng có của người dân xứ Huế.
"Săn "lão mai" không đơn giản. Có những cây mình ưng ý lắm nhưng bao nhiêu giá họ cũng không bán. Có những cây phải đi 2-3 năm mới nhận được cái gật đầu của chủ nhà. Thực ra với nghề này, khó không phải là kỹ năng trả giá hay đào, vận chuyển về để không ảnh hưởng đến cây mà khó nhất là nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên trong gia đình", anh Sáng cho hay.
Anh Sáng cho rằng, với người chơi mai và cả người mua mai về trồng vào dịp Tết ai cũng mong muốn sự bình yên, thuận lợi. Bởi vậy, việc mua bán cũng phải tuân theo nguyên tắc này, không thể cưỡng ép. Bình thường khi đã "xuống tiền", nghĩa là việc mua bán đã xong xuôi, người mua có thể cho người, máy móc vào đào, vận chuyển đi. Nhưng nếu một thành viên trong nhà đổi ý, không muốn bán nữa, anh Sáng sẵn sàng trả lại tiền và chờ cơ hội khác.
"Mua được cây đẹp, ưng ý đấy nhưng gia đình họ bỗng lục đục, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn, "trở mặt" với nhau thì mình không sướng. Ai chơi cây cảnh mới hiểu, không bất chấp mọi thứ, nhất là tình cảm của gia đình người ta mà mua bằng được", người đàn ông có nhiều năm làm nghề kinh doanh cây cảnh cho biết.
Anh Sáng dẫn tôi đi xem một cây mai cổ mà theo anh khoảng trên 40 năm tuổi. Do cây được trồng trên vùng đất khá cằn nên chỉ cao tầm 3m, tán không quá rộng, thân nổi những u cục mang dấu vết thời gian và những "biến cố" lớn. 3 cành lớn xoắn chặt vào nhau trước khi bung tỏa tán rộng, đẹp.
Sau khi mua cây mai này với giá 40 triệu đồng, anh Sáng thuê xe chở về TP Vinh (Nghệ An) ươm vào chậu chờ khách mua thì nhận được điện thoại của người con chủ cây. Người này nhờ anh Sáng giữ cây lại, chăm sóc để giải quyết công việc anh sẽ ra Nghệ An, sẵn sàng "bù" 15-20 triệu đồng để chuộc về.
Các cây mai khi được mua về sẽ tiếp tục được tạo dáng, cắt bỏ những cành, nhánh xấu để hoàn thiện hơn. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và gu thẩm mỹ riêng của người thợ. Với những cành bị cắt, anh Sáng bôi vào một lớp nhựa để tránh nước mưa ngấm vào gây hư hỏng, thối cành.
Hiện vườn mai Huế của anh có cây được chào bán 100 triệu, có cây đã được đặt cọc 200 triệu đồng, còn phần lớn có giá từ 40-50 triệu đồng. Cũng bởi việc mua cây kỳ công nên anh Sáng mong... không bán được vì tiếc.
"Thực ra khi đam mê thì tiền bạc không phải là vấn đề. Tôi bày cây ra ai mua thì bán nhưng thú thực mong họ thuê qua Tết hơn. Giá thuê khoảng một nửa hoặc 2/3 giá bán, có thể không bù được chi phí mua, vận chuyển, chăm sóc nhưng cây vẫn là của mình. Mặc dù tiếc lắm nhưng cũng phải bán vài cây để mang tiền về cho vợ sắm Tết, không thì mệt lắm", anh Sáng cười.
(Theo Dân trí)
Rước thần mai 30 tỷ về nhà, dân chơi Bến Tre nổi nhất Tết này
Mai là loại cây quen thuộc mỗi dịp Tết đến. Nhưng những cây mai giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng vẫn thuộc hàng hiếm. 'Thần mai' giá 30 tỷ đồng ở Bến Tre và cây mai 'khủng' 4 tỷ đồng ở An Giang đang gây xôn xao.