Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh các vụ việc khai thác, sử dụng trái pháp luật thông tin về nhân thân hành khách đi máy bay tại Việt Nam; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Chiều 6-12, khi chuyến bay từ Phú Quốc vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, sau 5 phút máy bay dừng lăn bánh, điện thoại của anh H.N (Phạm Ngũ Lão) lập tức nhận được tin nhắn gửi tới từ một hãng taxi hoạt động ở quanh Nội Bài giới thiệu taxi đi từ Nội Bài về Hà Nội chỉ từ 260.000đ.
Điều đáng chú ý, không chỉ có anh H.N mà một số hành khách khác cũng nhận được tin nhắn tương tự. Trước sự “tình cờ” có chủ ý này, nhiều người tiếp tục đặt câu hỏi, ai làm lộ thông tin của hành khách đi máy bay? Cơ quan chức năng có khả năng kiểm soát vấn đề này hay không?
Tháng 10-2017, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành thanh tra việc tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành hàng không đối với các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines.
Vẫn chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng lộ thông tin hành khách đi máy bay. |
Điều đáng chú ý, việc lộ thông tin hành khách của chuyến bay (danh sách hành khách của cả chuyến bay kèm theo số điện thoại và các thông tin liên lạc khác) có thể xảy ra ở cả 3 hãng hàng không. Sau khi áp dụng một số giải pháp, việc lộ thông tin hành khách đã lắng xuống, tuy nhiên thời gian gần đây, vấn nạn này lại tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.
“Với hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ của các hãng hàng không và hệ thống bán vé, làm thủ tục chuyến bay rộng lớn như hiện nay, việc lộ thông tin của hành khách rất khó kiểm soát trong điều kiện có rất nhiều trung tâm môi giới taxi trên mạng thông tin điện tử và khá nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin cá nhân khác để tiếp thị, quảng cáo dịch vụ”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đưa ra nhận định.
Việc cung cấp thông tin hành khách đi máy bay cho các trung tâm này chủ yếu được thực hiện một cách thông suốt và liên tục thông qua phần mềm công nghệ thông tin. Việc truyền tải thông tin hành khách cho các trung tâm này được làm liên tục, thường xuyên không dừng ngay cả khi lực lượng Công an đang điều tra và lực lượng thanh tra đang thanh tra. Điều này cho thấy mức độ tinh vi trong phương pháp lấy thông tin; mức độ trắng trợn, coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm…
Đồng thời, thanh tra Cục Hàng không cũng chỉ ra, có sự tiếp tay và lộ thông tin hành khách từ nhân viên trong ngành hàng không có quyền truy cập thông tin khi được cấp mã đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé hoặc làm thủ tục hàng không tại sân bay.
Nhắc đến việc bảo mật thông tin, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hiện nay tất cả các cơ quan chức năng và các hãng hàng không đồng loạt tăng cường triển khai các giải pháp quản lý để ngăn chặn tình trạng này.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đưa ra các chương trình, giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp quản lý chống tin tặc và nâng cao khả năng bảo mật thông tin trong các hệ thống thông tin hàng không, trong đó có thông tin về hành khách đi máy bay; ban hành văn bản yêu cầu các hãng hàng không rà soát các quy trình, quy định nhập, lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của hành khách; quản lý chặt chẽ các đầu mối truy cập được thông tin cá nhân của hành khách; tăng cường công tác giám sát bảo mật thông tin cá nhân của hành khách.
Cùng đó, các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific xây dựng và đưa vào triển khai các chương trình phần mềm, giải pháp ngăn chặn tin tặc; ban hành quy định, ký cam kết với các đại lý bán vé; ban hành chỉ thị ngăn chặn việc lộ thông tin của hành khách và phối hợp với cơ quan Công an điều tra, xử lý một số đối tượng vi phạm quy định.
Dù đã đưa ra các giải pháp, song Cục Hàng không vẫn kiến nghị Bộ GTVT ban hành chính sách, giải pháp chung về công nghệ thông tin để tăng cường công tác bảo mật, an ninh thông tin mạng nói chung và thông tin hành khách nói riêng. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn việc lộ thông tin hành khách đi máy bay.
Được biết, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh các vụ việc khai thác, sử dụng trái pháp luật thông tin về nhân thân hành khách đi máy bay tại Việt Nam; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điểm mặt “tổ chức” sử dụng thông tin khách đi máy bay Theo kết quả thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam, các tổ chức sử dụng thông tin hành khách đi máy bay là một số trung tâm môi giới thông tin taxi trên mạng internet (tương tự Uber và Grab) của doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành đã sử dụng thông tin hành khách đi máy bay để tiếp thị, quảng cáo dịch vụ taxi gồm: Công ty Vận tải Nội Bài 247, xã Phù Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; Taxi Vietgo ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội, Taxi Nội Bài, ngõ 277 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Công ty TNHH Kết nối Nội Bài, số 352 đường Bưởi, quận Ba Đình; Dịch vụ vận tải quốc tế Nội Bài DHT (Cầu Giấy, Hà Nội); taxi Nội Bài link (Thanh Xuân, Hà Nội). |
(Theo Công an nhân dân)