Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tính từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 8/7/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,3 triệu con.
Cả nước hiện nay chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bộ này cũng nhận định, do bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch này tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh theo 3 hướng gồm: dịch dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan toả đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày và dịch bệnh xâm nhiễm các các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,3 triệu con |
Trên thực tế, có những trang trạng quy mô vài ngàn con lợn đã phát hiện lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Thậm chí, tại Đồng Nai còn phát hiện dịch bệnh này ở trang trại lợn quy mô 20.000 con.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 11/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này. Cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, các địa phương tự sáng tạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh.
Ông Cường cũng cho biết, DTLCP đã xảy ra 160 ngày chính thức kể từ ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên. Hiện chỉ còn 1 tỉnh duy nhất chưa xuất hiện dịch, còn lại hầu hết các tỉnh dịch bệnh xảy ra ở cục bộ.
Thiệt hại đến giờ phút này thiệt hại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, bởi ngành chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đó là chưa kể kinh phí phòng chống, tiêu huỷ lợn bệnh phải bỏ ra.
“Có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh gây ra”. Ông Cường nhận xét, diễn biến chưa dừng lại, phải xác định sống chung với dịch bệnh này.
Vũ khí duy nhất ứng phó là an toàn sinh học, phương pháp này không chỉ có tác dụng với chăn nuôi lợn mà với cả ngành chăn nuôi nói chung. Bởi thực tế, một số hộ có đàn lợn lớn bị DTLCP đều được xác định là nuôi nhiều lợn chứ không phải nuôi an toàn sinh học. Trong khi đó, nhóm hộ chăn nuôi lớn là các trang trại, công ty áp dụng bằng giải pháp tổng thể sinh học vẫn an toàn. Các hộ có nhiều giải pháp sáng tạo cũng an toàn.
“Ngay từ đầu xảy ra đã đi một hướng tích cực là nghiên cứu vắc xin, đến giờ phút này khẳng định đã có kết quả bước đầu. Cơ quan nghiên cứu đang thực hiện thí nghiệm trên diện rộng để nếu thành công tiến tới sản xuất thương mại”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.
B.H