Các DN lữ hành cho rằng, lâu lâu trên thị trường lại có 1-2 khách đi du lịch trốn lại nước sở tại, song rủi ro này có thể xảy ra với bất kỳ công ty nào, kể cả đơn vị du lịch lớn. Nhưng, với số lượng người bỏ trốn nhiều như vậy, lên tới 152 người, thì nhiều khả năng việc này là có tổ chức, có chủ ý từ trước.
152 người Việt bỏ trốn ở Đài Loan: Doanh nghiệp đưa khách mới lập được 1 tháng
Lợi dụng “cửa” visa thông thoáng
Mặc dù chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Đài Loan về việc siết visa du lịch đối với Việt Nam trong thời gian tới, song, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn lo ngại thời gian tới nếu thay đổi thì những tour Tết âm đã book vé máy bay mà chưa xin được thị thực sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Ban đầu, khi dẫn đoàn khách 41 người đi du lịch Đài Loan, nhập cảnh ngày 26/12 trong tâm “cơn bão” 152 người Việt Nam lợi dụng con đường đi du lịch để trốn lại Đài Loan với mục đích lao động bất hợp pháp, ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Haratour, rất lo lắng. Ông sợ khi sang đến Đài Loan, việc nhập cảnh sẽ bị ảnh hưởng.
Chợ Tây Môn Đinh tối 26/12 vẫn đông đúc, không có chuyện cảnh sát Đài Loan lùng tìm người Việt bỏ trốn (ảnh Trần Trọng Lưu) |
Tuy nhiên, cơ quan Xuất nhập cảnh Đài Loan chỉ siết chặt hơn việc kiểm tra đối với du khách, như gọi tất cả các khách đã nhập cảnh trở lại, giữ toàn bộ hộ chiếu,... rồi đưa khách "có chọn lọc" vào phòng thẩm vấn, kiểm tra các loại thông tin, kiểm tra phiếu điền tour, vé khứ hồi, xác nhận tour, thẻ hướng dẫn viên, gọi điện cho công ty đón, hướng dẫn viên đón đoàn,...
“May mắn là sau 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi là đoàn Việt Nam đầu tiên có thể nhập cảnh Đài Loan với cam kết 'không được để khách trốn kẻo công ty khỏi làm, hướng dẫn viên khỏi sang nữa...", ông Lưu chia sẻ.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Lưu cho hay, cũng không có chuyện cảnh sát lùng tìm người Việt Nam. Chỉ có điều, cơ quan Xuất nhập cảnh Đài Loan khuyến cáo các công ty du lịch phát hộ chiếu cho khách để lỡ đi chơi đêm bị kiểm tra thì trình, đồng thời phải quản lý người chặt chẽ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtours, lo ngại, chắc chắn, việc 152 người Việt bỏ trốn tại Đài Loan sẽ ảnh hưởng chung đến du lịch Việt Nam. Đó là nguy cơ phía Đài Loan sẽ có một số thay đổi về chính sách visa.
Song, đến nay, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội loan tin phía Đài Loan đã cấm, không áp dụng visa đoàn với phía Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, khi công ty ông gọi điện sang đối tác ở Đài Loan, Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, thì chưa có thông tin chính thức nào về việc cấm visa cả. Việc cấp visa cho người Việt vẫn diễn ra bình thường, đúng quy trình như trước.
Cụ thể, đoàn đi Đài Loan vào 28/12 tới của HanoiRedtours vẫn triển khai bình thường.
Ông Hoan cho biết, hiện xin visa vào Đài Loan có 3 cách: cách thứ nhất là visa phổ thông; cách thứ hai là miễn visa với các trường hợp có gần 10 năm được các nước tiên tiến như, Mỹ, Úc, Canada,... đồng ý nhập cảnh; cách thứ ba là xin visa đoàn, hay còn gọi là visa Quan Hồng.
Đây là loại thị thực được cấp online, được chính quyền Đài Loan áp dụng năm 2015 cho khách đi theo đoàn từ 5 người trở lên, không yêu cầu chứng minh tài chính, áp dụng tại một số nước trong đó Việt Nam, Lào, Campuchia,... Khi xin visa Quan Hồng, chỉ cần nộp khoảng 10.000 tân đài tệ (khoảng 7,5 triệu đồng) đoàn phí là có thể nhập cảnh Đài Loan.
Lợi dụng “cửa” visa thông thoáng này mà công ty du lịch ETholiday đã xin thị thực cho đoàn khách 152 người bỏ trốn.
Số khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan năm 2017 tăng mạnh nhất thị trường Đông Nam Á (ảnh minh họa) |
Lo ngại bị siết visa, ảnh hưởng đến tour Tết
Ông Nguyễn Công Hoan cho hay, việc 152 du khách bỏ trốn tại Đài Loan không phải là bản chất của du lịch Việt Nam mà là hiện tượng của DN nào đó, do nhóm người nào đó thực hiện. Trong số các nước được áp dụng visa Quan Hồng (Việt Nam, Lào, Campuchia), Đài Loan xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất, có mức tăng trưởng cao nhất.
Trên thực tế, số lượng khách Việt Nam đi du lịch Đài Loan tăng mạnh trong 2 năm gần đây nhờ thị trường này áp dụng hàng loạt biện pháp để thu hút khách du lịch, điển hình là chính sách visa Quan Hồng nói trên. Chưa kể, các hãng hàng không trong nước tăng cường mở đường bay, chuyến bay sang Đài Loan cùng với giá vé hợp lý nên giá tour cũng chỉ 11-12 triệu đồng/khách.
Do đó năm 2017, đã có 383.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan, tăng 95% so với năm trước, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Còn về tình trạng khách du lịch bỏ trốn, ông Hoan cho rằng, đâu đó trên thị trường lại có 1-2 khách đi du lịch trốn lại nước sở tại, rủi ro này có thể xảy ra với bất kỳ công ty nào, kể cả công ty du lịch lớn. Nhưng, với số lượng người bỏ trốn lớn như vậy, lên tới 152 người, thì ông Hoan nghi ngờ việc này là có tổ chức, có chủ ý từ trước.
Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng bày tỏ sự lo ngại từ sự cố 152 khách Việt bỏ trốn, phía Đài Loan sẽ có điều chỉnh về chính sách visa Quan Hồng, việc bảo lãnh cho khách đoàn sẽ khó hơn, hay nguy cơ visa điện tử có thể bị bãi bỏ.
Theo thông tin mới nhất từ đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, phía Đài Loan đã ngừng cấp visa cho hành khách sang nước này dưới hình thức đi theo đoàn, theo tour.
Như vậy, thời điểm này các công ty du lịch đang làm visa cho tour Tết Nguyên đán. Theo ông Hải, các tour Tết đã đặt cọc vé máy bay, nếu việc xin chính sách visa có thay đổi thì họ sẽ mất hết tiền cọc, chưa kể phải hoàn tiền cho khách. Vụ việc 152 du khách Việt "mất tích" chắc chắn sẽ ảnh hưởng cả thị trường khách Việt Nam, chứ không riêng công ty ETholiday . Đây thực sự là điều đáng sợ nhất đang lơ lửng trên đầu các DN và hàng vạn du khách Việt.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Đài Loan, 4 đoàn du lịch lớn của Việt Nam với tổng cộng 153 người, lần lượt vào Cao Hùng ngày 21/12 và 23/12. Tuy nhiên, 152 người đã bỏ trốn theo hình thức chia nhỏ ra rồi biến mất. Nhóm khách đầu tiên gồm 23 người, nhóm khách thứ hai là 130 người. Sự việc ngay lập tức gây chấn động Đài Loan và ngành du lịch Việt Nam, bởi chưa bao giờ số lượng người lợi dụng đi du lịch để bỏ trốn ở nước sở tại lại lớn như vậy. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng, việc cùng lúc 152 người Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan là vụ việc chưa từng có tiền lệ đối với du lịch Việt Nam. Trả lời báo giới, ông Chung khẳng định công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế (International Holidays Trading Travel Company Limited) đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và Đài Loan. Hiện Tổng cục Du lịch đã làm việc với Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an, cơ quan chức năng Đài Loan, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch TP.HCM và Công an Hà Nội đề nghị xác định rõ trách nhiệm và sai phạm, điều tra vụ việc. Ông Chung cho rằng nếu sai phạm đến mức thu hồi giấy phép thì tước giấy phép, nếu cần khởi tố vụ án thì đề nghị khởi tố để làm trong sạch môi trường du lịch. Trước mắt, Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Công ty ETholiday vì liên quan đến vụ việc trên. |
Ngọc Hà
Lộ hình ảnh 152 du khách Việt tại thời điểm 'mất tích' ở Đài Loan
Camera giám sát đã ghi lại hình ảnh nhiều khách du lịch Việt Nam đã nhanh chóng rời khách sạn ở Cao Hùng ngay sau khi nhận phòng.
152 khách du lịch Việt Nam bất ngờ 'biến mất' ở Đài Loan
152 khách du lịch người Việt đã biến mất khi đi du lịch Đài Loan. Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) đã thành lập đội đặc nhiệm tìm kiếm số du khách này.