Ý tưởng xây dựng sân bay Vân Đồn được manh nha từ cả chục năm trước. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã “nhòm ngó” dự án này. Tuy nhiên, chỉ đến khi Sun Group xuất hiện, Vân Đồn mới thực sự được “chắp cánh”.
Vân Đồn ghi dấu trên bản đồ hàng không
Năm 2006, Quyết định 786 phê duyệt Đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn của Thủ tướng đãlần đầu đề cập việc xây dựng sân bay tại Vân Đồn. Tuy nhiên, đến tận năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Ninh, sự cần thiết phải có một sân bay tại Vân Đồn mới được khẳng định mạnh mẽ.
Sau một thời gian tìm kiếm, Quảng Ninh đã nhận được khá nhiều đề xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, “nặng ký” nhất phải kể đến Tập đoàn Rockingham (Mỹ) và Joinus Việt (liên doanh với Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Posco E&C).
Thế nhưng, khi đó câu chuyện phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng trước để hút khách rồi mới xây sân bay hay xây sân bay trước chưa có lời giải. Chỉ đến khi Sun Group xuất hiện với tuyên bố được cho là “gây sốc” vào thời điểm đó: Cùng lúc xây cả sân bay và các dự án phát triển kinh tế tại Vân Đồn, thì “lối ra” cho sân bay Vân Đồn mới xuất hiện.
Sở dĩ phải nói Sun Group “gây sốc” khi quyết định đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn là bởi dù thời điểm đó, Sun Group đã rất thành công trong lĩnh vực du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng…song với hàng không, cụ thể là đầu tư cảng hàng không, Tập đoàn này hoàn toàn là “người mới”, nếu không muốn nói là “lý lịch trống trơn”.
Những câu hỏi lớn về việc Sun Group có thực sự “lao vào” một dự án mà ngay cả người Mỹ, người Hàn còn thoái lui được đặt ra. Chỉ đến tháng 3/2016, khi dự án chính thức được khởi công, dư luận mới thực sự tin vào sự “dấn thân” của Tập đoàn “tay ngang” này. Và đến ngày 11/7/2018 vừa qua, khi chuyến bay đầu tiên thực hiện việc kiểm tra hiệu chuẩn hạ cánh tại Vân Đồn, cái tên Sun Group đã thực sự “ghi dấu” trên bản đồ hàng không trong nước.
Được biết, cảng hàng không quốc tế này dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay với lượng khách dự kiến đón trong thời gian đầu, vào khoảng 2,5 triệu khách/năm và có thể được xây dựng, mở rộng về lâu dài để đón được khoảng 5 triệu khách/năm.
Khai thác thế nào?
Nếu như Sun Group là “người mới” hoàn toàn trên “bản đồ hàng không” thì Vân Đồn cũng là sân bay tư nhân đầu tiên trên cả nước được khai thác.
Để chuẩn bị cho công tác này, một phương án khai thác CHK quốc tế Vân Đồn khá chi tiết đã được Cục Hàng không VN phối hợp với Sở GTVT Quảng Ninh, Sun Group, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vân Đồn (doanh nghiệp dự án); TCT Quản lý bay VN, TCT Cảng hàng không VN (ACV) xây dựng, đảm bảo đưa cảng hàng không tư nhân đầu tiên của cả nước vào khai thác.
Cục Hàng không VN còn thành lập riêng một Tổ hỗ trợ, để giải quyết các thủ tục sao cho linh hoạt nhất.
Liên quan đến vấn đề con người, được biết ngoài việc “dựng” bộ máy nhân sự chủ chốt theo quy định, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã bắt đầu triển khai tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không để sẵn sàng cho kế hoạch khai thác thương mại.
Riêng với nhân sự thực hiện điều hành bay, để đào tạo một kiểm soát viên không lưu, cần ít nhất 2 năm mới có thể bắt đầu hành nghề. Do đó, VATM đã chủ động tuyển người và thực hiện huấn luyện đào tạo.
Ông Arjan Kuin - cố vấn cấp cao của NACO- Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan, đơn vị đồng hành cùng Sun Group suốt quá trình thi công, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhấn mạnh: Mấu chốt của vận hành cảng hàng không là con người. Kể cả khi cửa nhà ga rất đẹp rồi nhưng nếu nhân viên có thái độ không tốt, không chuyên nghiệp thì cũng thất bại.
“Hiện NACO cũng đã gửi cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn lịch trình đào tạo nhân sự hoàn chỉnh, chi tiết” - ông Arjan Kuin nói và nhấn mạnh: Việc đào tạo phải liên tục để nhân sự không bị quên những kiến thức đã được dạy. Ông Arjan Kuin cũng cho hay đã đưa ra khuyến cáo về chính sách trả lương,thưởng, đãi ngộ phù hợp.
Được biết, sau đợt kiểm tra hiệu chuẩn đầu tháng 7 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang ráo riết hoàn tất những bước cuối cùng để kịp cho kế hoạch cất cánh cuối năm nay.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh sau khi thị sát sân bay Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong một thời gian rất ngắn, Quảng Ninh đã huy động vốn xã hội hoá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo ông Thể, bằng cách bỏ ra một phần vốn không lớn, chủ yếu cho GPMB, còn lại là huy động từ các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã có hàng loạt công trình vĩnh cửu. Tại cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, nhà nước chỉ phải bỏ khoảng 3.000 tỷ đồng GPMB, còn lại khoảng 10.000 tỷ đồng của nhà đầu tư. Cũng như vậy, với dự án CHK quốc tế Quảng Ninh, ngân sách tỉnh chi khoảng 1.000 tỷ, phần còn lại là của nhà đầu tư Sun Group…. |
Doãn Phong