- Ý tưởng xây dựng tháp Dầu khí được Petro Vietnam đưa ra gần hai năm trước, với mong muốn xây dựng một biểu tượng cho ngành dầu khí và cũng là công trình “có một không hai” tại Việt Nam.

Be bét tháp Doanh nhân
Tháp Thiên niên kỷ thành biểu tượng... hoang tàn


Tuy nhiên, suốt từ thời điểm đó đến nay, nhiều biến cố đã xảy ra đối với dự án nói trên, từ việc chủ đầu tư xin “cắt ngọn” tòa nhà xuống còn 79 tầng, đến việc Petro Vietnam phải chuyển giao dự án cho PVC để giảm đầu tư ngoài ngành.

Từ xin “cắt ngọn” giảm độ cao

Vào khoảng đầu năm 2010, giới đầu tư bất động sản đón nhận thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ xây một tòa nhà “có một không hai” tại Mễ Trì (Hà Nội), với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.

Tháng 5/2010, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương công bố thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng dự án toà nhà PVN Tower 102 tầng, cao nhất Việt Nam, trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD tại Hà Nội. Thông tin này đã khiến thị trường bất động sản xôn xao bởi nếu đi vào sử dụng, đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ nhì châu Á vì hiện ngành xây dựng Việt Nam chưa xây dựng tòa nhà siêu cao tầng nào lên tới 100 tầng, cao nhất hiện nay chỉ dừng lại ở con số 70 tầng.

Tháp dầu khí vẫn chưa thể khởi công.

Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam có các chức năng văn phòng làm việc hạng A, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp được xây dựng tại lô đất X1, trên diện tích 6,5ha thuộc dự án xây dựng quần thể kiến trúc 25ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án sẽ chịu được động đất trên cấp 7 độ MSK (khoảng 6 độ Richter) cao hơn tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam.

Mảnh đất của dự án đang để bỏ hoang. (Ảnh: D.A)

Ngay sau đó, PVC cho biết, sau khi được tư vấn, cùng với việc xin điều chỉnh “hạ độ cao” tòa nhà, lãnh đạo PVC đã đi đến thống nhất sẽ cắt giảm vốn đầu tư, từ hơn 1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu xuống còn 600 triệu USD, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí cho dự án. Với việc hạ thấp số tầng, chiều cao, PVN Tower sẽ không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng sẽ vẫn có mục tiêu là biểu tượng cho ngành dầu khí, cho Thủ đô Hà Nội.

Mất tên

Tháng 1/2012, Petro Vietnam đột ngột tuyên nố rút khỏi dự án PVN Tower theo chỉ đạo của Chính phủ và xúc tiến tìm đối tác để chuyển giao dự án. Với tư cách là chủ đầu tư, PetroVietnam đã quyết định không tiếp tục tham gia đầu tư dự án này, nhằm từng bước đưa tập đoàn ra khỏi lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng chỉ rõ, Petro Vietnam không tiếp tục làm chủ đầu tư, thực hiện dự án tổ hợp tòa tháp dầu khí khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí. Theo đó, công tác chuẩn bị đầu tư dự án sẽ được chuyển giao cho PVC tiếp tục hoàn thiện.

Người dân tranh thủ làm bãi chăn bò. (Ảnh: D.A)

Bên cạnh đó, khi triển khai dự án trên, Petro Vietnam chỉ tham gia góp vốn làm văn phòng của tập đoàn với mức tối thiểu và không lấy tên của tập đoàn trong dự án này, đổi tên Tháp Dầu khí (PVN Tower) sang tên khác. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc, tòa tháp sẽ không còn mang tên PVN Tower.

Sau khi tiếp nhận, PVC sẽ xây dựng dự án trên theo hướng một tòa nhà đa năng, bao gồm văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp. Công trình dự kiến bao gồm 2 tòa tháp cao 79 tầng và 54 tầng, khối đế cao 4 tầng, xây dựng trên diện tích đất 65.000 m2.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, thay vì tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 1 tỷ USD, vốn đầu tư vào dự án này được rút xuống chỉ khoảng 600 triệu USD, trong đó phần lớn vốn được huy động từ các đối tác trong và ngoài nước. Công trình sẽ không sử dụng vốn Nhà nước và vốn của Petro Vietnam.

Theo PVC, đơn vị này đang xúc tiến làm việc với cơ quan chức năng để triển khai thủ tục tiếp nhận dự án nói trên từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng mới đây. Đồng thời, PVC cho biết sẽ xúc tiến hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án vào quý 4/2012, để có thể chính thức khởi công vào đầu năm 2013. Thời gian triển khai dự án dự kiến 3 - 5 năm.

D.A