- Xổ số là trò chơi không phải dành cho người nghèo và nếu Nhà nước biết cách quản lý thì sẽ phát huy được lợi ích của nó, GSHà Tôn Vinh chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG

Xổ số gần đây đang được mở rộng loại hình, đa dạng dịch vụ nhằm thu hút người chơi. Tuy nhiên, với điều kiện, đặc điểm như nước ta thì việc ứng xử với loại hình kinh doanh này thế nào cho phù hợp là câu chuyện không dễ dàng.

Bởi vậy, chuyên mục Góc nhìn thẳng đã mời GS Hà Tôn Vinh, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về các loại hình trò chơi giải trí có thưởng tới trường quay để trao đổi về vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ở Việt Nam, ông bà chúng ta đã tổng kết "cờ bạc là bác thằng bần", nhiều người coi việc chơi xổ số giống như chơi cờ bạc. Ông cũng có thể thấy rằng, chơi xổ số thì người thắng rất ít, tuyệt đại đa số là thua thiệt. Ông nghĩ sao khi chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng loại hình kinh doanh này?

GS Hà Tôn Vinh: Khái niệm "cờ bạc là bác thằng bần" là đúng trong hoàn cảnh và trường hợp một loại trò chơi không hợp pháp. Xổ số, theo tôi, nó không phải là loại cờ bạc theo nghĩa đó. Bởi xổ số là có quản lý của Nhà nước. Có những loại hình xổ số hiện nay trả thưởng với tỷ lệ từ 55-65%, cho người ta cơ hội thắng những khoản tiến lớn hơn số tiền người ta đầu tư. Giả dụ bỏ ra 10.000-20.000 đồng, có thể thắng từ vài trăm ngàn đồng đến vài tỷ bạc.

Có thể nói, thứ nhất, loại hình sổ xố đó có thể đóng góp cho lợi ích quốc gia, ở những dự án mà Chính phủ không đủ nguồn thu và thứ hai, cho người chơi cơ hội để chơi.

Người chơi không có trò chơi có cơ hội thắng thưởng lớn một cách hợp pháp thì họ có thể chơi các trò không hợp pháp như số đề, cờ bạc trái phép, không được quản lý và thậm chí là các trò bị lạm dụng các thủ thuật để lấy tiền người chơi.

Với xổ số, tôi cho rằng, đây thực sự là một trò chơi giải trí được Nhà nước quản lý.

{keywords}

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, cũng nhiều nghiên cứu nói rằng, người nghèo thường lại chi nhiều tiền cho xổ số và sẽ nghèo thêm và cuối cùng thì, hệ quả là ngân sách thu được sẽ không là bao, hầu hết lợi nhuận chủ yếu vào túi các công ty kinh doanh xổ số. Người ta lo ngại điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam. Ông nghĩ sao về quan điểm như vậy?

GS Hà Tôn Vinh: Có 4 vấn đề ở đây. Vấn đề thứ nhất là người nghèo chơi nhiều, có thể đúng như vậy, vì người nghèo bao giờ cũng muốn giàu hơn, có cơ hội đổi đời. Nhưng số tiền để mua xổ số không nhiều đối với thu nhập của họ, người chơi bao giờ cũng phải tính toán đến việc chơi không chắc chắn là thắng được.

Ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, xổ số không phải là trò chơi dành cho người nghèo. Ở Mỹ, có những lúc khi giải thưởng xổ số lớn, lên tới vài triệu USD thì toàn nước Mỹ chơi, không phải mỗi người nghèo chơi.

Vấn đề thứ hai, nếu cho rằng, xổ số không đóng góp gì cho ngân sách, tôi nghĩ là không đúng như vậy. Tôi lấy ví dụ ở Việt Nam với 63 tỉnh thành, tổng doanh thu ngành xổ số ở Việt Nam năm qua, theo tôi biết là 63.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Trong đó, tất cả các tỉnh thành đã đóng cho Nhà nước 22.000 tỷ, tức là 1/3 doanh thu. Chúng ta thấy rằng, trước khi trả thưởng, Nhà nước đã thu nguồn thu đó. Có một nguồn thu tới 20.000 tỷ/năm là một nguồn thu lớn.

Vấn đề thứ ba là nguồn lợi chủ yếu rơi vào túi các công ty kinh doanh xổ số. Thực sự nhìn vào cơ cấu doanh thu, thì với 100 đồng bán vé số, có tới 55-65% là trả thưởng cho người chơi, Chính phủ lấy 25% thuế. Như vậy 85-90% doanh thu là cho người trung số và Nhà nước. Còn lại, có khoản 5-7% là dành cho người bán vé số ngoài đường và 3-5% là dành cho các nhà đầu tư, quản lý kinh doanh xổ số.

Nói cách khác, tôi không nghĩ rằng, đây là trò chơi chỉ mang lại tiền cho các công ty xổ số.

Nhà báo Phạm Huyền:Theo tôi hiểu, với những quan ngại trên xã hội hiện nay, khi mua vé xố thì số người trúng thưởng bao giờ cũng ít hơn người mua. Ông có nghĩ rằng, nếu phát triển rầm rộ loại hình kinh doanh này thì sẽ có những hệ luỵ môi trường xã hội, con người với mức độ lớn như cú sốc Formosa gây ra cho môi trường Việt Nam?

GS Hà Tôn Vinh: Như tôi vừa nói, xổ số không phải là cờ bạc thuần tuý. Nó chỉ như việc đóng góp bằng cách lấy một phần thu nhập của mình, như việc người Việt uống rượu bia rất nhiều, giờ lấy một ít từ việc ăn chơi, uống rượu đó để mua xổ số thì mình vừa có lợi, Nhà nước cũng có lợi, địa phương cũng có lợi.

Nếu để nói so sánh đến các tác động về môi trường xã hội thì có lẽ, rượu bia còn tác hại hơn nhiều so với chơi xổ số.

Nhà báo Phạm Huyền:Ông có nghĩ rằng, dù sao trò chơi may rủi này sẽ gây ra tác hại hệ luỵ tới con người, xã hội hay không?

GS Hà Tôn Vinh: Chắc chắn là, bất cứ trò chơi nào cũng có 2 mặt, vừa có mặt lợi vừa có mặt hại, nhất là chơi xổ số hay cờ bạc thuần tuý. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận rằng, nếu không có trò chơi xổ số này, mà chơi cờ bạc thuần tuý, nó sẽ có sức hút rất mạnh, tiền thắng- thua rất lớn làm cho người ta bị nghiện. Nhưng với xổ số, có thể gây ra hiện tượng "ham chơi" chứ không phải là nghiện.

Chính vì vậy, với cờ bạc, các quốc gia hiện nay đều quản lý rất chặt chẽ, ví dụ như cho phép các nơi tổ chức casino- cờ bạc hợp pháp. Còn xổ số, nơi nào cũng có. Hoa Kỳ từ 1 bang có xổ số vào năm 1970 đến nay có 42- 43 đều có kinh doanh xổ số. Vì họ thấy, đó là vấn đề xã hội hoá.

Ví dụ, ở bang Georgia của Mỹ, khi họ cần xây một trường đại học tốt hơn, họ đã bán một loại hình xổ số để lấy nguồn thu cho dự án đó. Như vậy, người chơi vừa có cơ hội trúng thưởng, vừa có cơ hội đóng góp cho một dự án cụ thể.

Sau này, khi phát triển tới xổ số cào, Việt Nam có thể quảng bá trên vé xổ các hình ảnh du lịch Việt Nam. Khi gặp lụt lội, thiên tai, Nhà nước có thể bán xổ số cho các mục đích đóng góp, hỗ trợ công tác này.

Khi bán vé số với mức độ 10.000-20.000- 30.000 đồng thì mức độ ảnh hưởng tới túi tiền của người dân không nhiều. Trong khi với các casino, một người chơi có thể mất 1.000 USD một ngày là bình thường.

Vì vậy, nói về vấn đề này, cần phải chia tách các loại hình và có phân tích rõ các mặt để quản lý tốt. Nếu không quản lý tốt, người dân sẽ chơi số đề, chơi cá cược, cờ bạc hợp pháp thì thiệt hại còn nhiều hơn!

Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn những phân tích sâu sắc của ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Thuý Hồng