Mặc dù thị trường đang điều chỉnh mạnh nhưng “vua chứng khoán” vẫn vượt bão thành công và đút túi gần nửa tỷ USD.

Tuần này là khoảng thời gian đầy thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh phiên tăng mạnh, chỉ số VN-Index chứng kiến những đợt lao dốc. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 14,69 điểm và dừng ở mức 649,87 điểm.

Giảm quá mạnh, VN-Index khiến giá trị thị trường hao hụt mạnh. Chỉ sau 1 tuần, vốn hóa thị trường sàn Tp.HCM “bốc hơi” tới 29.298 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD). Đà sụt giảm này có lẽ sẽ mạnh hơn nên không có lực đỡ từ cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

VNM tăng 9.000 đồng/CP lên 156.000 đồng/CP. Nhờ đó vốn hóa thị trường Vinamilk tăng 10.886 tỷ đồng lên 188.690 tỷ đồng. Vinamilk vẫn là “Vua chứng khoán” khi duy trì danh hiệu công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường.

{keywords}

Vượt bão, ‘vua chứng khoán’ Vinamilk vẫn đút túi gần nửa tỷ USD

Vinamilk trở thành hiện tượng trong tuần sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước đồng ý cho Vinamilk nới room 100%. Không chỉ có vậy, cổ phiếu VNM còn trở thành tâm điểm của thị trường nhờ thông tin Vinamilk sắp chi 4.800 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2016 tỷ lệ 40%.

Trong tuần, VNM là cổ phiếu đại gia hiếm hoi duy trì được đà tăng. Đa số blue-chip còn lại đều đi lùi. Nếu tuần trước, HSG tăng khá mạnh thì tuần này, chốt phiên giao dịch 22/7, HSG dừng ở mức 38.100 đồng/CP sau khi giảm 3.800 đồng/CP.

HSG khiến vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen hao hụt 747 tỷ đồng. Là cổ đông cá nhân lớn nhất, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen chịu mất mát nhiều nhất khi tài sản giảm 97 tỷ đồng.

Cổ phiếu HSG sụt giảm bất chấp ngành thép vừa nhận được tin lạc quan. Đó là Bộ Công thương đã áp thuế tự vệ cho ngành thép.

Chịu ảnh hưởng từ đà giảm mạnh của thị trường chung, cổ phiếu SSI còn bị tác động bởi thông tin lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty mẹ giảm 24% so với cùng kỳ. Vì vậy, giá cổ phiếu SSI sụt giảm là điều dễ hiểu.

Chốt tuần, SSI dừng ở mức 22.500 đồng/CP sau khi giảm 1.000 đồng/CP. Vì SSI, vốn hóa thị trường anh cả ngành chứng khoán - Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn “đánh mất” 480 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn mất gần 50 tỷ đồng.

Suốt thời gian dài qua, MWG đã trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán khi trì đà tăng mạnh. Tuy nhiên, mới đây, MWG đã có tuần giảm đầu tiên. Đóng cửa tuần, MWG giảm 2.000 đồng/CP xuống 135.000 đồng/CP. Trước đó, MWG đã đạt “đỉnh” 140.000 đồng/CP.

MWG khiến vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động giảm gần 300 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động mất gần 7,5 tỷ đồng.

Hiện tại, với khối tài sản trị giá 4.973 tỷ đồng, ông Tài đang đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những ngươi giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Tài đang có khả năng cạnh tranh vị trí thứ 3 của bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup. Bà Hương nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, không nhiều hơn tài sản của ông Tài nhiều.

Tuần này, cổ phiếu ngân hàng giao dịch không được tốt khi đại án ngân hàng Xây dựng bắt đầu được xử. Vì vậy, cổ phiếu STB miệt mài đi xuống. Đóng cửa tuần, STB giảm 800 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP. STB “thổi bay” 1.443 tỷ đồng vốn hóa thị trường ngân hàng Sacombank.

Nắm giữ gần 5% cổ phần Sacombank, ông Trầm Trọng Ngân, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê đã mất gần 72 tỷ đồng.

Trong tuần, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido gây bất ngờ khi công bố lợi nhuân sau thuế tăng gần 800%. Nhưng do VN-Index giảm quá sâu nên cổ phiếu KDC không cưỡng lại được xu hướng thị trường chung. Vì vậy, sau 5 phiên giao dịch, KDC giảm 800 đồng/CP và dừng ở mức 28.000 đồng/CP.

Vì KDC, vốn hóa thị trường Kido “bốc hơi” 205 tỷ đồng. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido “đánh rơi” 20,7 tỷ đồng.

(Theo VTC)