CTCP Vinhomes (VHM) thuộc Tập đoàn Vingroup đã phát hành xong 6.530 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay theo kế hoạch đặt ra hồi đầu tháng 8. Trong đó, 4.370 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán ra công chúng và 2.160 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Trong thương vụ gần nhất, Vinhomes phát hành lượng trái phiếu trị giá 2.090 tỷ đồng hôm 25/11 cho 8 nhà đầu tư trong nước.
Trong bản công bố thông tin phát hành trái phiếu ra công chúng, Vinhomes cho biết mục đích huy động nhằm mục đích tái cơ cấu tài chính và tăng quy mô vốn cho doanh nghiệp nhằm tận dụng giai đoạn lãi suất thấp hiện nay.
Vinhomes cũng vừa đáo hạn lô trái phiếu trị giá 6.720 tỷ đồng kỳ hạn 18 tháng, phát hành vào ngày 30/5/2019. Gần đây, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Vượng cũng bán hàng chục triệu cổ phiếu để thu về khoản tiền vài nghìn tỷ đồng.
Mới đây, NHNN đã có động thái siết việc huy động vốn thông qua trái phiếu của các doanh nghiệp trong nước. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản chiếm gần 46% tổng lượng trái phiếu phát hành, tương ứng 201.900 tỷ đồng.
Thông tư 16 được NHNN ban hành và sẽ có hiệu lực từ 15/1/2022. Trong đó có quy định, tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: phát hành trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác tăng quy mô vốn hoạt động.
Thông tư này được cho là sẽ có tác động đặc biệt đến các doanh nghiệp bất động sản.
Theo SSI, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu chiếm 67%. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8%.
Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Sự suy giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây được cho là liên quan tới Thông tư 16.
Cũng theo SSI, các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong thời gian gần đây là Vingroup, Novaland. Lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý III/2021 khoảng 10,3%, kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.
Đối tượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về ngân hàng, công ty chứng khoán.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 2/12
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng giá. Chỉ số VN-Index lên ngưỡng 1.490 điểm. Tâm lý của các nhà đầu tư ổn định trở lại cho dù chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm vì lo ngại chủng virus mới Omicron và tuyên bố mới từ Fed.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo. Theo đó, thị trường đang được hỗ trợ mạnh tại vùng 1.470 điểm và chỉ số VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm với sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng.
Theo MBS, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap đang trong quá trình retest mức đỉnh cũ nên khả năng dòng tiền sẽ thận trọng, một phần giảm giao dịch, một phần sẽ dịch chuyển sang nhóm VN30 mà chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí chưa tăng.
Còn theo VDSC, việc VN-Index kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 1.470 – 1.483 điểm với thanh khoản giảm so với các phiên trước, cho thấy áp lực bán không còn quyết liệt và đang hạ nhiệt. Động lực hỗ trợ này phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần trở lại vùng thử thách 1.500 điểm trong thời gian tới.
Chốt phiên chiều 1/12, chỉ số VN-Index tăng 6,75 điểm lên 1.485,19 điểm. HNX-Index giảm 2,25 điểm xuống 455,81 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 114,58 điểm. Thanh khoản đạt 31,8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 26,6 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Đưa xe điện sang Mỹ, Vingroup tính bước gọi tiền 1 tỷ USD
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính thương vụ tỷ USD trong bối cảnh công ty con đang tấn công vào thị trường Mỹ với các dòng xe điện VF e35 và VF e36.