- Thỏa thuận xây dựng tòa tháp đôi cao nhất thế giới ở Campuchia là một động thái mới nhất của Trung Quốc trong hàng loạt các hành động gần đây nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực châu Á. Điều này một lần nữa cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy đầu tư vào Campuchia cũng như khơi thông các con đường thương mại mới. 

Soán ngôi tòa tháp đôi cao nhất của Malaysia

Theo hãng tin China Daily, một liên danh dẫn đầu bởi Sino Great Wall International và Wuchang Shipbuilding Industry của Trung Quốc vừa thắng thầu xây dựng tòa tháp đôi cao nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD ngay tại bờ sông Mekong ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia.

Tòa tháp sẽ có chiều cao 560m với 133 tầng, vượt xa so với tòa tháp đôi cao nhất thế giới hiện nay: tòa tháp đôi Petronas của Malaysia (452m, 88 tầng).

{keywords}
Phối cảnh tòa tháp đôi cao nhất thế giới tại Campuchia.

Wuchang Shipbuilding Industry Group là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (China Shipbuilding Industry Corporation - CSIC), một trong 2 tập đoàn đóng tàu lớn nhất Trung Quốc. Sino Great Wall International Engineering Co. (có trụ sở tại Bắc Kinh) sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và mua sắm cho dự án.

Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Thai Boon Roong của Campuchia và một tập đoàn có tên: Sun Kian Ip Group, trụ sở tại Macao.

Theo KhMer Times, dự án đã được phê duyệt nhưng khung thời gian xây dựng chưa được tiết lộ do các bên phải hoàn thành giấy tờ thủ tục. Trong khi đó, hai tờ China DailyCambodia Daily tiết lộ hợp đồng sẽ có hiệu lực ngay sau khi 2 DN Trung Quốc hoàn thành các thủ tục tài chính. Và trong một báo cáo gửi Sở GDCK Thâm Quyến (Trung Quốc), Sino Great Wall cho biết, dự án sẽ hoàn thành trong khoảng 60 tháng.

Cũng theo China Daily, đây sẽ là dự án đầu tiên của Shipbuilding ở một đất nước nằm dọc tuyến theo Sáng kiến Một vành đai Một con đường mà Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang dày công xây dựng,.

Nguồn vốn cho dự án không được tiết lộ, chỉ biết rằng Tập đoàn TBR của Campuchia trước đó đã nhận được phê duyệt cho dự án này nhằm xây dựng một khu phức hợp: khách sạn, văn phòng và nhà ở trên diện tích 5ha ở ngay đối diện với sòng bạc NagaWorld, dọc theo con sông Mekong - đường thủy huyết mạch của khu vực.

{keywords}

Hồi đầu tháng 9/2016, Trung Quốc cũng đã khai trương chuyến tàu thương mại đầu tiên nối Trung Quốc tới Afghanistan (vùng đất trung tâm của châu Á) trên Con Đường Tơ Lụa huyền thoại, một bước mới trong kế hoạch 2 con đường thống trị thương mại thế giới của Bắc Kinh.

Tham vọng dòng chảy thương mại mới

Dự án tháp đôi cao nhất thế giới tại Campuchia lần này dù không phải là dự án cơ sở hạ tầng giao thông nhưng cũng nằm ngay trên con đường tơ lụa trên bộ (Silk Road Economic Belt - SREB) bên cạnh con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (Maritime Silk Road - MSR) đang được Trung Quốc ráo riết triển khai.

Vài năm gần đây, nước này không tiếc tay đầu tư vào các dự án hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nằm trên cả 2 tuyến đường tơ lụa trên bộ và trên biển nhằm tăng cường kết nối với các nước Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Phi.

Theo Reuters, dựa trên chủ trương này của Bắc Kinh, Sino Great Wall gần đây chủ động mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Vào đầu tháng 12/2016, họ đã thắng thầu một số dự án xây dựng tại Malaysia và trước đó hồi đầu năm là tại Indonesia, Myanmar và Conggo.

{keywords}
Sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc.

DN này cũng đang nhắm tới việc hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, tàu và cảng với các nước đã tham gia Sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc .

Trước đó, hồi cuối 2015, Trung Quốc đã thành thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được coi là "đối thủ" Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Với số vốn 100 tỷ USD, AIIB được thiết lập có lẽ để thực hiện các mục đích trên.

Trong một bài tổng kết trên Xinhua đầu 2017, tác giả Zhangrui cho rằng, sau hơn 3 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình đề xuất xây dựng SREB và MSR, cho tới nay, những dòng xe tải chở container hàng hóa lớn đã thông thương từ thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Uygur Tân Cương dọc theo hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) qua Pamirs và vùng phía tây Pakistan tới cảng Gwadar. Hàng hóa sau đó được chở bằng tàu biển tới Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các nước khác.

Hồi tháng 2/2016, Tập đoàn CRTG của Trung quốc cũng đã hoàn thành việc xây dựng đường hầm dài nhất Trung Á tại Uzbekistan. Đây là một phần trong dự án đường sắt quốc gia của nước này.

Theo báo cáo đánh giá, nếu như 2013 là năm đề xuất, 2014 là năm vạch ra kế hoạch, 2015 là năm thiết kế chi tiết, thì 2016 là năm thực thi nhiều dự án dấu ấn của Sáng kiến Một vành đai Một con đường.

Không chỉ châu Á, Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng của mình sang châu Âu. Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2017, nước này đã khai trương chuyến tàu hàng đầu tiên tới London trên tuyến đường tàu dài 7.400 dặm vừa hoàn thành, với hành trình 18 ngày qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đến Anh.

Nỗ lực chạy nước rút mở rộng thông thương và ảnh hưởng với các nước bằng sáng kiến “Một vành đai Một con đường”, bao gồm cả đường bộ và thủy này khiến nhiều thấy rõ hơn về tham vọng của của Trung Quốc. Tất nhiên, điều này cũng sẽ có những va chạm với tham vọng của Mỹ trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương.

V. Hà