Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Trần Bá Dương và nhóm cổ đông liên quan vừa thoái gần như toàn bộ vốn tại CTCP Hùng Vương - Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh.
Như vậy, sau khoảng một năm rưỡi đầu tư vào “ông trùm” cá tra một thời, tỷ phú USD Trần Bá Dương đã thoái lui và quá trình tham gia vào HVG và tái cơ cấu doanh nghiệp này dường như đã chấm dứt.
Trước đó, Thủy sản Hùng Vương bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ 5/8/2020 do đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Thủy sản Hùng Vương sau đó đã giao dịch trên sàn UpCOM từ ngày 13/8/2020.
HVG đã chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kể từ quý I/2020 cho đến nay. Doanh nghiệp này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020 và báo cáo tài chính 5 quý liên tiếp. Tính tới cuối 2019, HVG lỗ ròng hơn 1.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVG lình xình ở đáy trong suốt 3 năm qua. Trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu HVG giảm 13,3% xuống còn 2.600 đồng/cp.
Tỷ phú Trần Bá Dương bán cổ phần Thủy sản Hùng Vương. |
Theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội, ngày 2/7, ông Trần Bá Dương đã bán ra 11,2 triệu cổ phiếu HVG theo phương thức thỏa thuân, qua đó không còn sở hữu tại HVG. Đồng thời, công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh do ông Dương làm chủ tịch cũng cùng lúc bán ra 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,96% vốn tại HVG.
Hồi tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên HĐQT cũng đã thoái hơn 36,6 triệu cổ phần, tương đương 17,01% vốn điều lệ Hùng Vương. Ông Thịnh được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT HVG từ 28/2/2020. Ông Thịnh từng thành viên HĐQT của Thaco - tập đoàn ô tô và nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương và đang là Trưởng ban kiểm soát Thaco.
Như vậy, sau khoảng một năm rưỡi, nhóm cổ đông của ông Trần Bá Dương đã rút khỏi HVG. Hồi đầu 2020, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với Thủy sản Hùng Vương với thỏa thuận rằng Thadi, công ty nông nghiệp thuộc Thaco sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần, đồng thời tham gia hỗ trợ HVG trong các hoạt động tái cấu trúc tài chính cho HVG. Cũng theo thoả thuận, Thadi cũng đầu tư 65% vốn vào liên doanh mới giữa công ty và Hùng Vương trong mảng chăn nuôi heo.
Trước đó, nhiều doanh nhân có tiếng cũng gặp khó khăn với những khoản đầu tư tài chính.
Nhiều cổ đông lớn, trong đó có cổ đông chiến lược ThaiBev tại Bia Sài Gòn (Sabeco), chứng kiến tài sản tụt giảm do giá cổ phiếu lao dốc do nhiều yếu tố, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nghị định 100 về kiểm soát người tham gia giao thông uống bia rượu…
Giới đầu tư cũng chứng kiến Pyn Elite Fund và VinaCapital đồng loạt thua lỗ với khoản đầu tư vào ông trùm BOT Tasco (HUT). Hay thương vụ công ty con của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rót cả nghìn tỷ vào Gỗ Trường Thành (TTF) rồi nhanh chóng rút ra.
Hồi cuối tháng 6/2021 vừa qua, khoản nợ tương ứng với 40,5 triệu cổ phiếu liên quan tới Tập đoàn Vingroup đã được chủ mới của TTF là doanh nhân Mai Hữu Tín thuyết phục chuyển thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm. Khoản nợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi.
Trong những năm trước nhiều cổ đông ngoại đã lỗ nặng vì đầu tư vào cổ phiếu HAG, hay nhiều cổ đông trắng tay vì GPBank.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá mạnh.
Theo VDSC, sau ít thời gian thăm dò cung cầu, VN-Index tiếp tục diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng của phiên sụt giảm mạnh gần đây. Chỉ số thêm lần nữa kiểm tra vùng 1.335 điểm, đồng thời thanh khoản tăng trở lại mức trung bình 50 phiên, cho thấy có sự giằng co mạnh tại vùng hỗ trợ này. Tuy nhiên, nhìn chung áp lực bán có phần nhỉnh hơn dòng tiền hỗ trợ nên thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro suy yếu sau quá trình thăm dò trên mức 1.335 điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và đề phòng rủi ro đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt, đồng thời nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro để bảo toàn thành quả.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 9/7, chỉ số VN-Index giảm 27,54 điểm xuống 1.347,14 điểm; HNX-Index giảm 9,25 điểm xuống 306,73 điểm. Upcom-Index giảm 1,4 điểm xuống 87,08 điểm. Thanh khoản đạt 29,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Dựng lại đống đổ nát tỷ USD, đại gia Bình Dương được tỷ phú Vượng gật đầu
Doanh nghiệp từng số 1 trong ngành gỗ Việt Nam có cơ hội bứt phá sau khi đại gia gốc Bình Dương cam kết đổ cả tỷ USD để vực dậy doanh nghiệp này. Khoản nợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi.