"Tôi lục tìm ví sau khi đã đi được 2/3 quãng đường vào thị trấn và nhận ra mình đã để quên nó ở nhà. Trong ví cũng chỉ có vài tờ tiền lẻ và thẻ tín dụng thôi. Nhưng chẳng sao cả, vì tôi đã cài đặt thẻ tín dụng và thẻ Octopus trên điện thoại và đồng hồ thông minh" - ông Richard Harris, Giám đốc điều hành Port Shelter Investment, đã chia sẻ trên tờ South China Morning Post như vậy. "Bộ não có thể khiến tôi thất vọng, nhưng các thiết bị điện tử thì không".

Ông Harris đã trải qua một ngày mà không cần dùng đến bất kỳ tờ tiền giấy nào - thứ mà trước đây không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh và mua sắm hàng ngày. Thực tế này phần nào phản ánh sự thay đổi đến chóng mặt của nền kinh tế số - thứ có lẽ đã "hút kiệt" tuổi thọ của tiền mặt bằng sự bành trướng của một loạt các ứng dụng thanh toán thông minh như WeChat và Alipay. Châu Âu và Anh cũng là những quốc gia khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, ngay cả trong cửa hàng nhỏ nhất.

Một loạt các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu rục rịch kế hoạch số hóa đồng tiền tệ quốc gia. Viễn cảnh về những đồng tiền giấy truyền thống có thể sẽ không còn nữa, thay vào đó là thẻ cứng và các ứng dụng thanh toán thông minh, tiện lợi mà tiết kiệm thời gian vô cùng.

{keywords}
Người dân Trung Quốc chuộng các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Alipay và WeChat Pay (Nguồn: SCMP)

Tại Trung Quốc, tờ 100 Nhân dân tệ, vốn phổ biến ở khắp mọi nơi nhưng nay cũng trở nên lỗi thời. Đây được ví như một sự giải thoát cho những ai phải trả bằng tiền mặt cho các giao dịch thu mua dù là nhỏ nhất.

Cùng với việc số hóa tiền tệ, một số ngân hàng trung ương cũng đang nghiên cứu một dạng tài khoản ngân hàng cá nhân được cung cấp cho người sử dụng ngay sau khi họ chào đời. Tài khoản này sẽ được sử dụng để xử lý các phương thức giao dịch công, ví dụ như lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội trong suốt một cuộc đời. Điều này sẽ cạnh tranh trực tiếp với những ngân hàng thương mại truyền thống, và về mặt kỹ thuật, cách thức này chắc chắn hạn chế rủi ro hơn.

Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số chỉ có thể tập trung vào một số loại tiền tệ được ưa thích. Chính vì vậy, đối với thanh toán thương mại quốc tế, tiền giấy vẫn là loại tiền bất ly thân, ví dụ như đồng đô la Mỹ, euro, bảng Anh, đồng franc Thụy Sĩ và yen Nhật. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng nằm trong danh sách "ưu ái" trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều người sử dụng đồng tiền của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, ví kỹ thuật số có lẽ sẽ không có nhiều chỗ cho những đồng tiền như peso của Argentina hay ZWD của Zimbabwe.

{keywords}
Thanh toán mã QR trong những giao dịch nhỏ nhất tại Trung Quốc (Nguồn: SCMP)

Theo giám đốc điều hành Port Shelter Investment, sự xuất hiện của các đồng tiền kỹ thuật số sẽ hạn chế đáng kể tội phạm và nạn trốn thuế. "Khi tiền giấy và tiền xu dừng lưu thông, chúng ta sẽ chỉ còn lại các tài khoản ngân hàng và một vài loại tiền kỹ thuật số vỏn vẹn trong chiếc điện thoại thông minh" - ông Harris chia sẻ.

Tuy nhiên, không rõ liệu người dùng có nhanh chóng chấp nhận các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành hay không, bởi thực tế, việc sử dụng loại tiền do chính phủ ban hành sẽ khá "mất quyền riêng tư". Thay vì dùng các đồng kĩ thuật số đó, người ta chuộng các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Alipay và WeChat Pay hơn. Riêng tại Trung Quốc, hơn 800 triệu người, tương đương 86% người dùng mạng Internet, đang sử dụng những dịch vụ thanh toán bằng điện thoại thông mình như vậy.

{keywords}
Bitcoin liên tục ghi nhận những kỉ lục mới sau khi chúng được biết đến nhiều hơn và sử dụng rộng rãi (Nguồn: Reuters)

Theo một số chuyên gia, việc các ngân hàng trung ương đẩy nhanh kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số sẽ gây sức ép dữ dội lên những loại tiền mã hoá, đơn cử là Bitcoin. Chuyên gia Phillip Gillespie cho biết, đồng tiền kĩ thuật số này sẽ bị bán tháo dữ dội nếu các chính phủ thông qua những quy tắc mới để quản lý thị trường này.

Dù được một số chuyên gia nhận định là đồng tiền trú ẩn an toàn, bitcoin vẫn chỉ là khoản đầu tư mang tính chất đầu cơ do luôn biến động về giá. Trong thời gian qua, đồng tiền này liên tục ghi nhận những kỉ lục mới khi chúng ngày càng được biết đến nhiều hơn và chấp nhận sử dụng rộng rãi. Theo số liệu mới nhất từ công ty quản lý tiền tệ kỹ thuật số Coinshares, dòng tiền đổ vào thị trường tiền kĩ thuật số đã đạt mức cao kỷ lục 4,5 tỉ USD trong quý I/2021. Xu hướng này cho thấy các tổ chức đầu tư ngày càng để mắt tới thị trường tiền số.

Tuy nhiên, đối với một số quốc gia, bitcoin lại không được chào đón đến vậy. Hồi tháng 3, Ấn Độ đã xem xét đề xuất cấm các giao dịch bằng tiền điện tử trong nỗ lực xây dựng nền tảng riêng cho 1 loại tiền số quốc gia. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ áp đặt trừng phạt với bất kì cá nhân và tổ chức nào sở hữu hay giao dịch các loại tiền số. Đây được coi là một trong những chính sách khắt khe nhất đối với tiền điện tử trên toàn cầu, luật pháp hóa việc sở hữu, phát hành, giao dịch và chuyển giao đồng tiền số.

(Theo VTV)