Ngày càng phổ biến
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 435,25 triệu lượt với giá trị 22,78 triệu tỷ đồng; tăng hơn 54% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt tới 1.194 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỷ đồng; tăng gần 75% về số lượng và 94% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giao dịch qua hệ thống đạt 97,36 thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,36 triệu lượt, với giá trị đạt 95,4 triệu tỷ đồng; tăng 3,32% về số lượng, gần 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% số lượng và 139,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), trước đây mọi người vẫn giữ thói quen đi mua sắm tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại. Khi đại dịch Covid xảy ra, có những giai đoạn, chúng ta không còn phương thức gì khác ngoài mua sắm trực tuyến.
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. |
Với mua sắm trực tuyến, sau khi quyết định mua hàng cũng sẽ phải thanh toán. Tuy nhiên, do Covid lây qua đường tiếp xúc trực tiếp, nên mọi người nhận thấy rủi ro khi trả tiền mặt, vì thế đã chuyển sang thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt nữa. Chỉ cần 21 ngày là một người có thể hình thành thói quen mới. Dịch Covid diễn ra thời gian qua đủ dài để mọi người quen với thanh toán không dùng tiền mặt, ông Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, những năm gần đây, tốc độ phát triển của ngành giao nhận rất tốt, năm 2020 tăng 47% so với 2019. Đợt dịch Covid lần thứ 4 vừa qua, tỷ lệ khách hàng chọn giao hàng thay cho mua bán trực tiếp tăng từ 35% lên 68%. Thói quen này sẽ được duy trì và tiếp tục tăng lên khi thế hệ “khách hàng số” chi phối thị trường trong tương lai. Qua đó tạo cơ hội cho các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Trong khi đó, khảo sát của Visa (công ty công nghệ thanh toán toàn cầu) tại Việt Nam mới đây cho thấy, 85% người được hỏi cho biết từ nay sẽ duy trì thanh toán không dùng tiền mặt, 6% nghĩ rằng không bao giờ cần dùng đến tiền mặt nữa. Việt Nam thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh. Giờ thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến.
Nhiều ưu đãi và tiện ích
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, đến nay tại Việt Nam, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất phổ biến. Không chỉ có các loại thẻ mà còn thanh toán qua điện thoại di động, sử dụng các tài khoản của ngân hàng, các trung gian thanh toán như ví điện tử...
Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn mà cả các vùng nông thôn. Với sự phổ cập Internet, điện thoại thông minh, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các phương thức thanh toán điện tử. Hiện tại, việc sử dụng các hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng trên điện thoại di động đã rất tiện lợi.
Ngoài ra, người dân có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các loại thẻ thanh toán, ví điện tử,... Sắp tới, khi mobile money (tiền di động) được các nhà mạng di động triển khai, mọi người có thể sử dụng tài khoản là chính số điện thoại di động của mình để thanh toán.
Việc thanh toán bằng mã QR sẽ trở thành xu hướng tại Việt Nam thời gian tới. Như vậy, sẽ không còn có giới hạn về mặt địa lý nữa và thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được thực hiện toàn quốc thậm chí là xuyên biên giới.
Kích hoạt ngày thanh toán không dùng tiền mặt tại Hà Nội. |
Tuy nhiên, để các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển hơn nữa, chứ không phải chỉ phổ biến trong thời kỳ đại dịch, các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhà cung ứng các giải pháp thanh toán cần thường xuyên đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến mại và truyền thông... Như vậy, sẽ giúp khách hàng nhận thấy những ưu đãi, lợi ích và trải nghiệm với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó ngày càng sử dụng nhiều hơn, ông Hùng nêu giải pháp.
Sáng 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” do Sở Công Thương TP phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức, có chủ đề: “Một chạm thông minh - Kích cầu mua sắm”.
Tại đây, có nhiều ưu đãi, khuyến mãi dành cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian diễn ra sự kiện (tháng 11/2021). Công ty Visa giảm ngay 65 USD cho hóa đơn 500 USD, giảm 200 USD cho hóa đơn 1.000 USD thanh toán bằng thẻ Visa Classic, Gold, Platinum, Signature và Infinite. VNPay cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn trong tháng 11/2021 tại hàng nghìn điểm bán thanh toán VNPay-QR trong đó có nhiều siêu thị lớn. Shopee, Lazada và Bizi dành tặng nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người dùng. Giao hàng nhanh (GHN) ưu đãi chiết khấu đến 10% khi nạp GHN xu...
Sở Công Thương Hà Nội hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”, qua đó tạo thói quen cho người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các DN đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Trần Thủy
Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới khi mua sắm trực tuyến mùa dịch
Các đối tượng tội phạm đã sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.