Năm 2021, TRA đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả 2020.
Đây là mục tiêu không hề dễ chịu khi năm 2020 Traphaco đã đi ngược dòng tăng trưởng âm của ngành dược để đứng top đầu với 1.909 tỷ đồng doanh thu và 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12% và 27%.
HĐQT Traphaco định hướng sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2025 bằng cách duy trì vị thế ngành đông dược và tập trung phát triển mảng tân dược với sự hỗ trợ của cổ đông lớn từ Hàn Quốc. Mục tiêu 2021 của Traphaco là khá tham vọng khi nhìn vào bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành dược.
Theo dữ liệu của Finn Pro tổng hợp từ 37/61 công ty dược niêm yết, chiếm 50,9% vốn hóa thị trường cho thấy, ngành dược trong những năm gần đây gặp khá nhiều thách thức trong tăng trưởng.
Ông Trần Túc Mã tiếp tục đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2021-2025. Bà Đào Thúy Hà thành viên HĐQT được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng tân dược và tiếp tục phục trách lĩnh vực Marketing hiện đang phụ trách.Ngày 7/4, TRA đã bầu Chủ tịch HĐQT mới là ông Chung Ji Kwang, đại diện của nhóm cổ đông lớn Hàn Quốc thay thế vị trí của bà Vũ Thị Thuận người có nhiều năm gắn bó và làm nên tên tuổi TRA.
TRA còn đề ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) đạt doanh thu tăng trưởng kép 13,3% trong 5 năm; doanh thu hàng nhập khẩu tăng trưởng kép 53,1% trong 5 năm.
Tham vọng tăng trưởng liên tục 2 con số của TRA dựa trên nền tảng Traphaco tiếp tục là duy trì vị thế ngành đông dược và tập trung phát triển mảng tân dược với sự hỗ trợ của cổ đông lớn nước ngoài, Tập đoàn Deawoong (Hàn Quốc).
Thế mạnh sẵn có của TRA là hệ thống phân phối và kinh nghiệm trong phân phối hàng OTC, trong khi đó đối tác ngoại sẽ bổ sung sức mạnh bằng việc chuyển giao công nghệ hơn 70 sản phẩm tân dược trong 5 năm tới. Được biết, 1 đề xất tái cấu trúc sẽ được ông lớn ngành dược thuê tư vấn thực hiện theo hướng tách mảng kinh doanh đông dược và ngoài đông dược… phát triển thành 2 chân vững vàng cho DN.
Sản xuất tân dược tại nhà máy Traphaco Hưng Yên. |
Trên thị trường, dù đối mặt với nhiều nhiều bất ổn khó lượng hậu Covid-19 nhưng nhiều DN vẫn đặt mục tiêu cao cho năm 2021 và 5 năm tới.
Tại ĐHCĐ Công ty cổ phần FPT ngày 8/4, HĐQT cũng trình kế hoạch doanh thu tham vọng 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 6.210 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,4% và 18% so với thực hiện trong năm 2020.
Những doanh nghiệp quy mô nhỏ thì đặt kế hoạch chóng mặt, Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành thông qua kế hoạch doanh thu là 440,15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 94,26 tỷ đồng, lần lượt tăng 105% và 1.027,5% so với thực hiện trong năm 2020
Trong một báo cáo công bố ra thị trường gần đây, nhóm chuyên gia phân tích của Fin Group nhận định, năm 2021 lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khả quan hơn.
Chẳng hạn, mức tăng trung bình của các ngân hàng trong VN30 đạt 17,1% và 24,7% của các doanh nghiệp phi tài chính. Như vậy, so với mức tăng trưởng 14,9% lợi nhuận sau thuế của năm 2020, triển vọng năm 2021 với ngành ngân hàng là tích cực hơn.
Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc TRA nói: “Chúng tôi xác định 2021 là năm "chuẩn hóa quy trình". Theo đó, tập trung vào nâng cấp và cải thiện các quy trình làm việc chưa hiệu quả, phát huy các thế mạnh cốt lõi”. Trong quý I/2021, ước doanh thu và lợi nhuận của Traphaco đã tăng 20% và 33% so với cùng kỳ năm trước.
Còn nói về sức ép tăng trưởng, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết, mục tiêu được chia rất nhỏ, từng bộ phận phải bảo vệ kế hoạch với những giải pháp khả thi, không loại trừ trường hợp người đứng đầu không hoàn thành sẽ phải luân chuyển.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ xuống ngưỡng 1.240 điểm.
Theo BVSC, VN-Index được dự báo sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.250-1.265 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục theo hướng giằng co với sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể. Dòng tiền nội tiếp tục là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường đi lên trong giai đoạn này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, chỉ số VN-Index tăng 2,42 điểm lên 1.242,38 điểm; HNX-Index tăng 1,16 điểm lên 292,84 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 82,56 điểm. Thanh khoản đạt 20,2 nghìn tỷ đồng.
M.Hà