Theo Vietcombank, được sự chấp thuận của NHNN, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đã bầu ông Phạm Quang Dũng - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 30/8.
HĐQT cũng thống nhất giao ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank, cho đến khi có nhân sự tổng giám đốc.
Vietcombank đã chính thức có chủ tịch mới sau khi ông Nghiêm Xuân Thành, nguyên chủ tịch Vietcombank, được Bộ Chính trị phân công, điều động về làm Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang từ ngày 3/7.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trước khi được bầu là Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014 đến nay.
Ông Phạm Quang Dũng, chủ tịch mới Vietcombank. |
Gần 10 năm qua, Vietcombank luôn thuộc top đầu và là ngân hàng giữ vị trí quán quân về lợi nhuận lâu nhất, từ 2016 đến nay, cũng là nhà băng duy nhất ghi lợi nhuận tỷ USD trong một năm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Vietcombank tiếp tục là quán quân về lợi nhuận, với giá trị đạt hơn 13,5 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Techcombank đạt hơn 11.500 tỷ đồng và VietinBank hơn 10.800 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, lợi nhuận của Vietcombank gần bằng Techcombank và VietinBank cộng lại.
Trong quý II/2021, Vietcombank sụt giảm khá mạnh, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước do chi phí dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. Tuy nhiên, con số lợi nhuận này có thể chưa phản ánh hết thực lực của Vietcombank do nhà băng này đang giữ tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao 350%.
Giá cổ phiếu Vietcombank cũng cao nhất trong các NHTM. Trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khi VN-Index lập đỉnh lịch sử trên 1.400 điểm, vốn hoá Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu TTCK Việt Nam, với giá trị thị trường đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng với lợi nhuận ấn tượng giúp cổ phiếu các nhà băng tăng cao. Cổ phiếu Vietcombank có lúc lên trên ngưỡng 115.000 đồng/cp.
Gần đây, áp lực chốt lời ở các cổ phiếu ngân hàng này tăng lên do hầu hết đã ở mức đỉnh và giới đầu tư lo ngại lợi nhuận có thể suy giảm trong nửa cuối 2021. Tuy nhiên, triển vọng của nhóm ngân hàng vẫn khá sáng. Trong tuần mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại quay đầu tăng mạnh.
Trong phiên 30/8, cổ phiếu nhà băng đồng loạt tăng mạnh. LienVietPostBank tăng kịch trần, trong khi Vietinbank bứt phá. Khối ngoại tiếp tục mua ròng MBBank và Vietinbank.
Gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu và chứng kiến làn gió mới trong ban lãnh đạo, với nhiều gương mặt trẻ, 8x, thậm chí 9x, nắm giữ những vị trí quan trọng như chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc...
Hồi đầu tháng 5, bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank và là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam khi mới 36 tuổi (sinh năm 1985). Bà Hằng là Tổng Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group).
Trước đó, ông Dương Nhất Nguyên (38 tuổi) được bầu là Chủ tịch HĐQT Vietbank. Trước khi về Vietbank, ông từng giữ các vị trí điều hành, quản lý như Giám đốc đầu tư CTCP ĐT PT Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm và điều hành nhiều dự án lớn của Tập Đoàn Hoa Lâm.
Bà Lê Thị Thủy (1983) hiện là Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT SeABank. Bà là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG kiêm Phó Chủ tịch thường trực SeABank.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 31/8
Chiều 31/8, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến sức cầu lớn nhưng sự suy yếu của các cổ phiếu trụ cột nhóm VN-30 khiến chỉ số VN-Index tăng nhẹ.
Chốt phiên chiều 31/8, chỉ số VN-Index tăng 3,33 điểm lên 1.331,472 điểm. HNX-Index tăng 1,51 điểm lên 342,81 điểm. Upcom-Index tăng 0,55 điểm lên 93,77 điểm. Thanh khoản đạt 26,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 22,9 nghìn tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu VN-30 chứng kiến sự phân hóa mạnh. Nhóm ngân hàng đa số giảm, từ Vietcombank tăng nhẹ 100 đồng lên 99.400 đồng sau khi ngân hàng này có chủ tịch mới là người gắn bó với ngân hàng này 27 năm.
Nhóm dầu khí tăng khá ấn tượng. GAS tăng 1.900 đồng lên 89.400 đồng/cp. Cổ phiếu Thép Hòa Phát tiếp tục tăng thêm 600 đồng lên 49.300 đồng/cp. Nhóm tiêu dùng, bán lẻ và giải khát đều tăng khá nhờ kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế.
Cổ phiếu Sabeco tăng 2.800 đồng lên 150.000 đồng/cp. Cổ phiếu Masan tăng 2.400 đồng lên 135.000 đồng/cp. Cổ phiếu Thế Giới Di Đông tặng 400 đồng lên 104.400 đồng/cp. Một số cổ phiếu bất động sản quay đầu tăng giá.
Cổ phiếu Vingroup đi ngang, trong khi Vinhomes giảm 500 đồng xuống 106.400 đồng/cp.
Trong phiên giao dịch sáng 31/8, sự giằng co tiếp tục diễn ra vào đầu phiên giao dịch. Lực bán ra khá mạnh nhưng sức cầu tăng dần, qua đó giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.330 điểm.
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 4,60 điểm lên 1.332,74 điểm. HNX-Index tăng 1,89 điểm lên 343,19 điểm. Upcom-Index tăng 0,65 điểm lên 93,86 điểm. Thanh khoản đạt 15,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo BSC, nối tiếp nhịp hồi phục cuối tuần trước, thị trường tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Dòng tiền đầu tư chảy lan tỏa vào thị trường khi có 16/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm y tế, bảo hiểm và tài nguyên cơ bản.
Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản thị trường gần như không đổi so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX và HNX. Với xu hướng giao dịch tích cực như vậy, VN-Index có thể vận động trong vùng 1.330-1.350 trong các phiên giao dịch sắp tới.
Chốt phiên chiều 30/8, chỉ số VN-Index tăng 14,94 điểm lên 1.328,14 điểm. HNX-Index tăng 2,51 điểm lên 341,3 điểm. Upcom-Index tăng 1,09 điểm lên 93,22 điểm. Thanh khoản đạt 25,7 nghìn tỷ đồng. Riêng sàn HOSE đạt 21,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà