Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (rạng sáng 22/6 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng gần 600 điểm (khoảng 1,8%). Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Các chỉ số khác cũng tăng mạnh. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 1,4%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,8%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh khi mà dòng tiền trên thế giới vẫn rất mạnh và vẫn xoay qua lại giữa các kênh đầu tư tài chính và hàng hóa. Việc giá vàng và các đồng tiền tiền kỹ thuật số, trong đó có đồng Bitcoin giảm mạnh đã giúp cổ phiếu Mỹ đồng loạt tăng giá.

Nhóm cổ phiếu hàng hóa, vốn bị tác động nặng nề hồi tuần trước, dẫn đầu đà phục hồi của thị trường. Cổ phiếu Devon Energy vọt gần 7%, trong khi Occidental Petroleum tăng 5,4%. Các cổ phiếu hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế bao gồm Norwegian Cruise Line và Boeing đều tăng hơn 3%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng ấn tượng.

Trên CNBC, các chuyên gia cho rằng, đợt bán tháo cổ phiếu Mỹ trong tuần vừa qua có lẽ hơi quá đà.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ hồi phục sau đợt bán tháo vì Fed.

Trong tuần trước, thị trường cổ phiếu Mỹ đồng loạt tụt giảm sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đột ngột chuyển sang quan điểm diều hâu với dự định 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023, thay vì trong năm 2024. Quan điểm này khiến thị trường rất bất ngờ và dẫn tới đợt bán tháo.

Giới đầu tư thậm chí đồn đoán rằng Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất ngay trong năm 2022 nhằm tránh để nền kinh tế phát triển quá nóng.

Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis James Bullard cho rằng Fed có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối năm 2022. Bình luận này đã phủ sắc đỏ lên Phố Wall và nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới khi mà nhiều người ngày càng tin rằng Fed có thể xoay trục chính sách tiền tệ.

Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam) chứng khoán Mỹ hồi phục khi mà hầu hết các kênh đầu tư khác chịu áp lực giảm, từ vàng, tiền kỹ thuật số cho đến bất động sản. Theo Bloomberg Economics, giá bất động sản trên khắp thế giới đang bùng lên mạnh mẽ, cảnh báo sẽ hình thành một bong bóng bất động sản lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Thị trường tiền ảo chao đảo trong phiên đầu tuần, Bitcoin rơi về gần ngưỡng 30 nghìn USD (so với đỉnh cao trên 62 nghìn USD) sau khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra biện pháp cứng rắn nhằm cấm cửa tiền số.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa cảnh báo một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước này và Alipay về việc "điều tra và xác định" các tài khoản ngân hàng tiếp tay cho giao dịch tiền số. Ngoài ra, PBOC còn yêu cầu các định chế tài chính này chặn các loại giao dịch đó. Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch kiểm soát thị trường tiền số của Bắc Kinh.

PBOC kêu gọi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), cùng các nền tảng thanh toán khác như Alipay, thảo luận về vấn đề "cung cấp dịch vụ cho các giao dịch đầu cơ tiền số."

Cơ quan quản lý đã yêu cầu các định chế tài chính này xác định và chặn tất cả các chuyển khoản đến những tài khoản được sở hữu bởi các sàn giao dịch tiền số và những bên trung gian nước ngoài khác. Ngoài ra, những hoạt động đầu tư vào bất kỳ công nghệ nào nhằm xử lý các giao dịch liên quan đến đầu tư tiền số cũng bị cấm.

Yêu cầu này thuộc một phần trong chiến dịch kiểm soát gần đây của chính phủ Trung Quốc đối với tiền số bắt đầu vào tháng 5. Bắc Kinh đang tìm cách xoá bỏ mọi giao dịch và đóng cửa hoạt động khai thác tiền số ở biên giới của quốc gia này. Thay vào đó, NHTW muốn người dân sử dụng đồng tiền số do cơ quan này phát hành - hiện đang được thử nghiệm trên quy mô lớn.

PBOC nhiều lần khẳng định giao dịch tiền số làm gián đoạn hệ thống tài chính, gây rủi ro về việc chuyển tài sản bất hợp pháp xuyên biên giới và rửa tiền. Ngoài ra, việc này còn "xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh tài sản của người dân."

Trong tuần trước, Tứ Xuyên đã yêu cầu 26 mỏ đào Bitcoin ngừng hoạt động sau khi lệnh cấm của Bắc Kinh được ban hành.

M. Hà