Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 10.805 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ 2020, chỉ số sinh lời ROE và ROA tiếp tục được cải thiện.
Đặc biệt, đến cuối quý II/2021, VietinBank đã được phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại các năm 2017-2019.
Lợi nhuận VietinBank quý II/2021 không đạt được như kỳ vọng, giảm 38% so với cùng kỳ xuống 2.790 tỷ đồng do chi phí tăng 28% lên gần 4.200 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 3 lần lên 7.100 tỷ. Mức lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm mà VietinBank công bố thấp hơn 2.000 tỷ đồng so với ước tính của nhà băng trước đó.
Lợi nhuận quý II suy giảm khi VietinBank chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thông qua các chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường.
Cụ thể, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590 nghìn tỷ đồng, hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng có triển vọng vẫn khá tươi sáng. |
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) báo lợi nhuận quý II suy giảm nhưng lãi 6 tháng đạt hơn 13,5 nghìn tỷ đồng.
VCB cũng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng của nhiều doanh nghiệp. Vietcombank hiện giữ tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức rất cao: 350%. Tỷ lệ nợ xấu của VCB khá thấp, ở mức 0,75% tính tới cuối quý II. Dư nợ cho vay tăng 10% so với đầu năm.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm trước lên 8.100 tỷ đồng và tương tự với xu hướng chung của ngành.
BIDV ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động tín dụng không tốt do giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, việc giảm các loại chi phí giúp lãi thuần của BIDV tăng hơn 46%.
Bên cạnh đó, lãi khác của BIDV trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng gần 120% so với cùng kỳ lên 3.966 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động nửa đầu năm của BIDV tăng hơn 40% lên hơn 31.660 tỷ trong khi chi phí hoạt động tăng chỉ 9% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 60% lên 23.546 tỷ. Trong kỳ nhà băng trích hơn 15.400 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 90% so với cùng kỳ.
Các dự báo cho thấy, triển vọng của nhóm ngân hàng sẽ không còn quá tươi sáng như trước nhưng vẫn còn rất tốt. Lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm trong quý III nhưng phục hồi trong quý IV. Trong tháng 7 và tháng 8, ảnh hưởng dịch bệnh thể hiện rất rõ, có thể sẽ ảnh hưởng lợi nhuận cả năm của ngân hàng.
Lợi nhuận của hệ thống có thể suy giảm tăng trưởng do phải trích dự phòng bổ sung. Dù vậy, hầu hết các ngân hàng đã tính trong kế hoạch kinh doanh, do đó sẽ không ảnh hưởng gì trong kế hoạch tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
Giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng thêm tới lợi nhuận của các ngân hàng. Dù vậy, phần suy giảm này sẽ được bù đắp bởi phần chi phí tiết kiệm nhờ hoạt động trên nền tảng online.
Gần đây, VietinBank đã thực hiện đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ vừa và nhỏ và bán lẻ, đồng thời cải thiện mạnh mẽ sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Chất lượng tài sản được kiểm soát chặt chẽ, công tác thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro liên tục được tăng cường và đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 2/8
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Các cổ phiếu blue-chips phân hóa.
Chứng khoán Việt tăng điểm trông nhiều phiên gần đây. |
Theo VDSC, kết thúc chuỗi ngày đi ngang và TTCK đã bật tăng mạnh mẽ, dòng tiền cũng tham gia thị trường với trạng thái tích cực hơn. Hầu hết các cổ phiếu đã tăng trở lại sau nhịp giảm mạnh bất ngờ vừa qua, cũng như TTCK đã tạo ra vùng cân bằng và các cổ phiếu xác lập mặt bằng giá mới.
Chốt phiên chiều 30/7, chỉ số VN-Index tăng 16,45 điểm lên 1.310,05 điểm. HNX-Index tăng 3,88 điểm lên 314,85 điểm. Upcom-Index tăng 0,79 điểm lên 86,93 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 25,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 21,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà